Chuyển đổi số - Kinh tế số
Ráo riết hành trình đưa 5 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử
Tú Ân - 09/09/2021 16:52
Hành trình đưa 5 triệu hộ nông dân mở gian hàng, bán nông, lâm, hải sản trên sàn thương mại điện tử trong năm 2021 đang được ráo riết triển khai.
Việc đưa 12-13 triệu hộ nông dân, hộ kinh doanh lên sàn TMĐT là một kế hoạch đầy tham vọng, cần quyết tâm cao, tập trung được nguồn lực, hạ tầng để mục tiêu này khả thi.

Chạy đua đào tạo nông dân

Số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, đến nay có gần 8.000 hộ nông dân và 14.600 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Con số này là quá ít so với 12-13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể tại Việt Nam đang có nhu cầu quảng bá, giới thiệu và mua bán sản phẩm. Quyết định 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt quyết tâm đưa 5 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử ngay trong năm 2021.

Vietnam Post, đơn vị sẽ đưa 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn đang đẩy mạnh đào tạo, tập huấn tại 63 tỉnh, thành phố nhằm sớm tạo dựng được thương hiệu sản phẩm cho bà con trên sàn TMĐT.

Trong tháng 8/2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song Vietnam Post đã hỗ trợ được hơn 20.800 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, trong đó số hộ phát sinh giao dịch đạt 12.600 hộ, phần lớn là các hộ lần đầu tiếp cận với phương thức bán hàng online. Các mặt hàng được lựa chọn tập trung vào nhóm củ quả như nhãn, na, thanh long, bưởi, hành, tỏi, khoai lang…

Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu (Vietnam Post), việc đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT đang được thực hiện linh hoạt theo từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương trong thời điểm dịch bệnh còn nhiều phức tạp.

Việc phổ cập kiến thức được chia thành 2 lớp. Đối với người chưa từng kinh doanh online, Vietnam Post sẽ tổ chức hướng dẫn theo hình thức gặp trực tiếp tại các nhà vườn, tại các hội thảo hoặc online. Tài liệu hoặc cách hướng dẫn cho đối tượng này phải đơn giản, dễ hiểu nhất có thể. Còn đối với những đối tượng đã có kinh nghiệm với việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử, Vietnam Post sẽ phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại để hỗ trợ người dân cập nhật thêm các kiến thức về cách nâng cao giá trị sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử.

“Chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn các kỹ năng mà người nông dân đang thiếu. Đây là hoạt động xã hội, không hề thu bất kỳ khoản phí nào”, ông Lê cho biết.

Còn Viettel Post cho biết, do nhiều địa phương giãn cách nên thay vì hướng dẫn trực tiếp theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, các kênh trực tuyến đã được tận dụng triệt để trong đào tạo, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận với phương thức thức bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Đặc biệt là việc hướng dẫn nông dân livestream bán nông sản.

Giám đốc sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (thuộc Viettel Post), ông Trần Trung Kiên cho hay, nhân viên Vỏ Sò được cử tới tận vườn để hỗ trợ người dân thực hiện các thao tác với sàn thương mại điện tử một cách dễ dàng và trực quan nhất. Viettel Post đã phối hợp cùng các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp bà con nhận ra ưu điểm của việc chuyển đổi hình thức kinh doanh từ cách truyền thống sang môi trường số.

Cần sự đồng hành của cả hệ thống

Việc các doanh nghiệp bưu chính vào cuộc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản, mở tài khoản thanh toán, đưa hàng nông sản lên giới thiệu, bán trên sàn thương mại điện tử thường xuyên và theo mùa vụ trong cả điều kiện bình thường và dịch bệnh đang đạt được những kết quả khá tích cực. Song, doanh nghiệp và nông dân vẫn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến trình này.

Sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được những khó khăn cho nông dân, nhưng sàn phải kết nối được nông dân với người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử cũng sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho người nông dân đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, Cục đang triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông qua thương mại điện tử như việc lên phương án kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực cho các tỉnh thành trong thời gian giãn cách, đề xuất các địa phương tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên giao hàng được phép hoạt động.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn đề xuất, các sàn thương mại điện tử cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại tỉnh, phát triển các cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho từng hộ gia đình…

Còn theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, vấn đề thanh toán mua hàng được nông dân đặc biệt quan tâm, nhất là các nơi vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất thấp, do đó, việc thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ rất khó khăn. Đề nghị các sàn có phương án xử lý.

Có thể thấy, việc đưa 12-13 triệu hộ nông dân, hộ kinh doanh lên sàn thương mại điện tử là một kế hoạch đầy tham vọng, cần quyết tâm cao, tập trung được nguồn lực, hạ tầng để mục tiêu này khả thi.

Tin liên quan
Tin khác