Robot khử khuẩn là một trong những sản phẩm mang tính công nghệ cao và ứng dụng trực tiếp trong việc phòng, chống dịch Covid-19 do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa, Công ty Cổ phần Phenikaa-X, Trường Đại học Phenikaa nghiên cứu và phát triển để ứng dụng trong thực tế cuộc sống.
Robot khử khuẩn Phenikaa-X đã lên đường tới tâm dịch Bắc Giang nhằm hỗ trợ địa phương này phòng, chống dịch Covid-19. |
Robot khử khuẩn kết hợp hai phương pháp khử khuẩn UVC và hoá chất giúp triệt tiêu vi khuẩn, giảm bớt việc lây lan dịch bệnh với khả năng đi lại linh động, có thể điều khiển từ xa hoặc lập trình sẵn cho một cung đường khử khuẩn nhất định.
TS. Lê Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa cho biết, robot khử khuẩn có thể đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bắc Giang với những nhiệm vụ chính như vận chuyển các nhu yếu phẩm, giám sát người bệnh và người được cách ly thông qua các camera theo dõi.
Robot có khả năng tự hành hoàn toàn và tránh các va chạm bằng cách sử dụng công nghệ LiDAR, có tích hợp trí tuệ nhân tạo để nhận diện và nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, đo thân nhiệt cùng hàng loạt tính năng ưu việt khác.
Trước đó, giữa tháng 5/2021 khi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, sinh viên Trường Đại học Phenikaa đã triển khai chiến dịch “Học online - Trổ tài chống dịch”. Theo đó, các bạn sinh viên dành thời gian và công sức của mình chế tạo tấm chắn giọt bắn dành tặng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, cách ly tập trung.
Đến thời điểm này, có 10.000 tấm chắn giọt bắn đã được gửi đến hơn 30 địa phương, trong đó hơn một nửa được chuyển tới tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang.
Ngoài ra, Trường Đại học Phenikaa cũng đã gửi tặng 10.000 chai nước Orezol cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch.
Theo đại diện trường Trường Đại học Phenikaa, các sản phẩm công nghệ cao “Make In VietNam” như bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19, robot khử khuẩn, robot tự hành, giải pháp trường học thông minh… hay đơn giản là những tấm chắn giọt bắn, nước orezol đều là những tình cảm yêu thương, san sẻ của tập thể cán bộ, giảng viên, nhà khoa học và sinh viên Trường Đại học Phenikaa gửi đến tâm dịch, đồng thời góp một phần trách nhiệm của mình vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Được biết, cách đây chưa lâu, tháng 2/2021 nhận thấy việc tiếp xúc thường xuyên với những ca F1 nghi ngờ mắc Covid-19, có thể làm gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, nhóm cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sao Đỏ đã nghiên cứu, chế tạo thành công robot chuyên thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Robot hoạt động rất hiệu quả, di chuyển linh hoạt, có thể di chuyển trên bề mặt có độ dốc. Đặc biệt, với bộ điều khiển bằng tay, người sử dụng có thể điều khiển robot tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái tùy ý trong bán kính 200 m.
Với mỗi lượt làm việc, robot có thể vận chuyển được hơn 100 kg nhu yếu phẩm như: quần áo, nước sát khuẩn và các vật dụng y tế phục vụ trong bệnh viện hoặc có thể vận chuyển trên 60 suất cơm cho các bệnh nhân. Trên thân robot được trang bị đèn báo, bộ tín hiệu bằng âm thanh, giúp các bệnh nhân nhận biết khi robot vận chuyển nhu yếu phẩm, đồ ăn đến nơi.
Việc sử dụng robot tiếp phẩm phục vụ các bệnh nhân trong thời gian cách ly điều trị sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc cho các nhân viên y tế, hơn nữa còn giúp ngăn ngừa, giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế trong công tác phòng chống dịch.
Trước đó, tháng 4/2020, trong bối cảnh toàn thế giới cũng như cả nước đang phải gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao”, đặt tên là Vibot.
Các chức năng chính đặt ra cho Vibot là thay thế nhân viên y tế để vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác từ khu vực tập kết (ở ngoài khu cách ly) đến các buồng bệnh (trong khu cách ly) để cung cấp cho người bệnh;
Vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và vận chuyển ra khu tập kết rác thải; di chuyển đến các buồng bệnh để y bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.
Để thực hiện được các nhiệm vụ này, hệ thống phải có các khả năng: Hoạt động theo chương trình nạp sẵn hoặc theo chỉ thị trực tiếp của người dùng; tự di chuyển an toàn vào/ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ; có khả năng phát hiện và tránh vật cản tĩnh và động để đến được các vị trí được xác định trước.