Tài chính - Chứng khoán
Rủi ro với cổ đông nhỏ lẻ khi cổ đông lớn tận thu cổ tức
Duy Bắc - 28/12/2023 10:58
Kinh doanh lao dốc, nhưng Công ty Nhiệt điện Phả Lại và Công ty Nhiệt điện Bà Rịa lại có kế hoạch chia cổ tức, sử dụng nguồn quỹ đầu tư phát triển tích lũy nhiều năm.

Chính sách cổ tức không sát tình hình kinh doanh

Việc chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông thường là tín hiệu tích cực cho thấy, doanh nghiệp thực sự sở hữu tiền, thay vì chia tách cổ phiếu, cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh tạo ra tiền thực.

Tuy nhiên, đôi khi chính sách cổ tức không tương ứng với hoạt động kinh doanh, gây khó cho nhà đầu tư trong dự báo về chính sách cổ tức của doanh nghiệp, đặc biệt đối với trường phái đầu tư giá trị, nắm giữ dài hạn và quan tâm tới cổ tức hàng năm.

Tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), đơn vị này vừa đưa ra báo cáo ước tính tình hình kinh doanh năm 2023. Trong đó, lợi nhuận giảm 65,8% so với thực hiện trong năm 2022, tương ứng giảm 327 tỷ đồng, về 170,62 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 497,2 tỷ đồng).

Trái với kết quả kinh doanh lao dốc, Công ty vừa xin ý kiến cổ đông thực hiện trả cổ tức 21,5%, với tổng số tiền sẽ trả cho cổ đông là 689,3 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến dùng 601,1 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển chuyển sang lợi nhuận lũy kế chưa phân phối để trả cổ tức cho cổ đông, còn lại dùng nguồn lợi nhuận luỹ kế trong năm.

Trước đó, năm 2021, Công ty Nhiệt điện Phả Lại trả cổ tức tỷ lệ 4,5%, năm 2022 trả cổ tức 8% và kế hoạch cổ tức năm 2023 chỉ 5% vốn điều lệ.

Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty Nhiệt điện Phả Lại sở hữu 427 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối, 1.223,3 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển, 643,9 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền…

Như vậy, nếu được cổ đông thông qua, bằng việc chuyển dịch khoản mục từ quỹ đầu tư phát triển sang lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối, Công ty Nhiệt điện Phả Lại sẽ trả tổng cộng 689,3 tỷ đồng tiền mặt cho cổ đông. Lượng tiền mặt trả cho cổ đông này bằng 107% tổng quỹ tiền mặt đang sở hữu tại thời điểm 30/9/2023.

Theo đó, Công ty Nhiệt điện Phả Lại sẽ sử dụng toàn bộ quỹ tiền mặt đang sở hữu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Điều này sẽ làm suy yếu mạnh tiềm lực tài chính của Công ty.

Điểm đáng lưu ý, trong sách cổ đông tại thời điểm ngày 30/6/2023, Công ty Nhiệt điện Phả Lại có 2 cổ đông lớn, gồm Tổng công ty Phát điện 2 - CTCP (sở hữu 51,9% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Năng lượng REE (sở hữu 24,14% vốn điều lệ).

Với việc chi phối quá bán tại Công ty Nhiệt điện Phả Lại, Tổng công ty Phát điện 2 chính là đơn vị nắm vị trí điều hành, cũng như nhóm cổ đông lớn hậu thuẫn cho quyết định dùng quỹ đầu tư phát triển trả cổ tức.

Thực tế, bất chấp tình hình kinh doanh tại Công ty Nhiệt điện Phả Lại, nếu việc chia cổ tức thành công, Tổng công ty Phát điện 2 sẽ vẫn ghi nhận dòng tiền về Công ty từ các công ty con thông qua việc nhận cổ tức, mặc dù việc hợp nhất kết quả kinh doanh từ Công ty Nhiệt điện Phả Lại tăng trưởng âm.

Tương tự, Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) cũng vừa xin ý kiến cổ đông về việc trả cổ tức tỷ lệ 26,47%, với tổng số tiền chi trả là 160,1 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 3/2024.

Trong đó, Công ty sẽ dùng 121,5 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển hoàn nhập vào lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức và số còn lại (38,6 tỷ đồng) lấy từ lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối.

Trước đó, theo dữ liệu lịch sử, Công ty Nhiệt điện Bà Rịa duy trì chính sách cổ tức thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến thực hiện sắp tới. Trong đó, năm 2019 trả cổ tức tỷ lệ 11%, năm 2020 trả 11%, năm 2021 trả 15%, năm 2022 trả 12% và dự kiến năm 2023 trả 6%.

Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty Nhiệt điện Bà Rịa sở hữu quỹ đầu tư phát triển hơn 244 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối là 337,1 tỷ đồng, quỹ tiền mặt 399,2 tỷ đồng.

Như vậy, nếu chia cổ tức thành công tổng 160,1 tỷ đồng cho cổ đông, Công ty Nhiệt điện Bà Rịa sẽ chia tổng số tiền bằng 40,1% tổng quỹ tiền mặt tại thời điểm 30/9/2023.

Ngoài ra, về cơ cấu cổ đông, tính tới ngày 14/3/2023, Công ty có 2 cổ đông lớn, gồm Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (sở hữu 79,56% vốn điều lệ) và Samarang Ucits Samarang Asian Prosperity (sở hữu 8,08% vốn điều lệ).

Có thể thấy, tương tự như Công ty Nhiệt điện Phả Lại, tại Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, Tổng công ty Phát điện 3 là cổ đông lớn, chi phối các quyết định do sở hữu quá bán. Vì vậy, việc chia cổ tức cao lần này cũng giúp công ty mẹ thu về dòng tiền lớn, bất chấp hoạt động kinh doanh lao dốc trong 9 tháng đầu năm 2023 tại Công ty Nhiệt điện Bà Rịa.

Bài toán khó dự đoán cho cổ đông nhỏ lẻ

Thực tế trên sàn chứng khoán luôn có một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị, hướng tới việc nhận cổ tức đều hàng năm, thay vì gửi ngân hàng. Họ quan tâm tới các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức dựa trên tình hình kinh doanh.

Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp trả cổ tức không dựa vào thực tế kinh doanh, chủ yếu do mong muốn của nhóm cổ đông công ty mẹ, gây nhiều khó khăn hơn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo đó, khi kinh doanh lao dốc, doanh nghiệp vẫn trả cổ tức khủng; ngược lại, khi kinh doanh tăng trưởng mạnh, công ty vẫn có thể chia cổ tức nhỏ giọt… Đây chính là rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư giá trị khi đầu tư vào các công ty lớn có cổ đông lớn chi phối.

Tin liên quan
Tin khác