Giao dịch này được ông Tân thực hiện vào ngày 8/1 bằng tài khoản mở tại Công ty Chứng khoán VPS. Đây là lệnh giao dịch duy nhất được khớp trong ngày này đối với cổ phiếu SCD. Tính theo giá đóng cửa 15.000 đồng, khối cổ phiếu ông Tân sở hữu tại doanh nghiệp nổi tiếng với sản phẩm Sá xị Chương Dương trị giá khoảng 6,5 tỷ đồng.
Với tỷ lệ sở hữu 5,15%, ông Tân là cổ đông lớn thứ ba của doanh nghiệp này. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với 5,26 triệu cổ phiếu (tương ứng 62,06%). Cổ đông lớn còn lại là bà Đỗ Thúy Nhung với sở hữu 540.000 cổ phiếu (tương ứng 6,37%).
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SCD không có nhiều biến động khi giao dịch quanh vùng giá 14.000 - 16.000 đồng suốt 4 tháng qua. Khối lượng khớp lệnh mỗi phiên chỉ vài trăm cổ phiếu, thậm chí nhiều phiên liền không có giao dịch nào thành công.
Đồ thị giá cổ phiếu SCD một năm qua. |
Cổ phiếu này bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện kiểm soát từ ngày 24/08/2023 vì báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm ghi nhận lỗ lũy kế gần 120 tỷ đồng. Ban lãnh đạo sau đó cho biết công ty đã nỗ ực rất nhiều về tối ưu hóa chi phí và đẩy mạnh kinh doanh, nhưng doanh thu vẫn giảm do sụt giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nước giải khát, cộng thêm tồn kho của đối tác tăng cao. Để thoát lỗ, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng độ phủ và kênh phân phối nhằm tăng sản lượng bán hàng, tối ưu hóa chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nỗ lực chuyển mình của ban lãnh đạo Sá xị Chương Dương vẫn chưa chưa ghi nhận tín hiệu khả quan khi công ty lỗ tiếp khoảng 35 tỷ đồng trong quý III/2023, qua đó nối dài mạch lỗ 11 quý liên tiếp. Trong giai đoạn này, công ty có doanh thu 22 tỷ đồng và lãi gộp trở lại với 1,2 tỷ đồng. Khoản lãi này không đủ để công ty bù đắp chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Sá xị Chương Dương có doanh thu hơn 100 tỷ và lỗ sau thuế 73 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này đều đang kém xa so với mục tiêu doanh thu 365 tỷ đồng và lãi 3,8 tỷ đồng được ban lãnh đạo đề ra trước đó.
Khi đề ra kế hoạch kinh doanh 2023, công ty thừa nhận không dễ để hoàn thành kế hoạch bởi "các thách thức mà công ty đối diện trong năm nay rất nhiều". Công ty lo lắng lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng khiến chi phí tài chính bị đội lên và dự thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có thể làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, hàng loạt nhân sự phòng kinh doanh nghỉ việc khiến kênh bán hàng truyền thống chịu áp lực lớn.