Năm 2016, Edtech Asia Hackathon là cuộc thi hackathon lần đầu tiên tại Việt Nam do Topica Edtech Group và Edtech Asia đồng tổ chức với sự tham gia của 48 đội với tổng giá trị giải thưởng 90.000 USD. Tuy nhiên, năm 2017, ban tổ chức đã loại gần 80 đội để chọn 20 đội xuất sắc nhất tranh tài tại cuộc thi AI Edtech Asia Hackathon 2017, trong khi đó, số tiền tài trợ năm nay đã tăng lên 300.000 USD với sự góp mặt đồng tài trợ ngoài Facebook, Google như năm ngoài còn có thêm IBM.
Việc giảm số đội tham gia có thể đến từ yêu cầu bắt buộc là các đội phải tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào mỗi sản phẩm để thích ứng xu thế thế giới và đáp ứng tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam thay vì các ứng dụng công nghệ thuần túy cho giáo dục như năm 2016.
Các đội tham gia Topica AI Edtech Asia Hackathon 2017 |
Có thể nói, đây là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam yêu cầu tất cả các đội thi phải tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm, trong khi, trí tuệ nhân tạo lại đang là lĩnh vực khá mới. Nhận định về xu thế phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, ông Lê Công Thành, Giám đốc TOPICA AI Lab (Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Topica) cho biết: “Việc đưa các sản phẩm có ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đang gặp thách thức lớn nhất là chúng ta chưa có nguồn dữ liệu mẫu và không có hạ tầng tính toán mạnh để phục vụ trí tuệ nhân tạo bởi để làm trí tuệ nhân tạo tốt phải cần dữ liệu rất mạnh hay siêu tính toán nhưng thuận lợi khác là người trẻ Việt học toán khá tốt nên việc tiếp cận trí tuệ nhân tạo nhanh, trong khi thị trường ngoài nước rất cần nhiều nhân sự làm việc trong lĩnh vực có ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.
Cũng theo ông Thành, việc Google, Facebook hay IBM tài trợ khoản tín dụng lên tới 300.000 USD cho cuộc thi này là minh chứng cho thấy các tập đoàn này đang quan tâm tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nguồn nhân lực phục vụ trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam bởi đối với Google, Facebook hay IBM, trí tuệ nhân tạo là chiến lược sống còn của họ. Google còn tự định nghĩa mình là AI First (trí tuệ nhân tạo lên hàng đầu).
Tuy nhiên, là nhà tổ chức chính cho AI Edtech Asia Hackathon 2017, Topica đang đặt kỳ vọng có thể đầu tư vào những đội thi có sản phẩm mang tính ứng dụng cao, tính khả thi lớn có khả năng tạo ra sản phẩm mới trên thị trường, nhất là những sản phẩm có thể tích hợp những sản phẩm hiện có của Topica trong lĩnh vực giáo dục.
“Chúng tôi đang có 1 trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, những bạn đạt giải trong cuộc thi này sẽ được chúng tôi cấp học bổng, các bạn cũng có thể vào trung tâm này để cùng chúng tôi nghiên cứu các sản phẩm khác có tính ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, chúng tôi có kết nối với những trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới. Do đó, chúng tôi sẽ phỏng vấn những ứng viên thích hợp để cấp học bổng toàn phần cho các bạn đi du học”, ông Thành nói.
Trả lời câu hỏi vì sao các đội thi đạt giải chủ yếu đầu quân cho Topica nhưng IBM, Google hay Facebook vẫn tiếp tục tài trợ cho hackathon năm nay, ông Thành cho rằng: “Các tập đoàn này cũng có nhiều nên tảng bên dưới và với việc thiếu hạ tầng tính toán sẽ khiến Việt Nam phải sử dụng hạ tầng tính toán của các tập đoàn công nghệ lớn này nếu muốn phát triển các ứng dụng liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Do đó, những sản phẩm của cuộc thi này nếu muốn phát triển thêm đều phải dựa vào hạ tầng tính toán của những tập đoàn này để nâng cấp lên”.
Đánh giá về chất lượng các đội thi năm nay, ông Nguyễn Trọng Huấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Viễn thông và phần mềm Five9, thành viên Ban giám khảo cho biết: “Các đội tham gia thi đấu năm nay có chất lượng khá tốt so với lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Với chủ đề tập trung trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và giải quyết một số bài toán về thực tế ảo lĩnh vực giáo dục, các đội thi tương đối có trọng tâm. Trong số 20 đội thi đấu, tôi nhận thấy, một số sản phẩm có tính ứng dụng tương đối cao, cụ thể như ứng dụng đánh giá biểu cảm khuôn mặt thông qua camera khi học viên nghe giảng bài. Ứng dụng này nếu được đưa vào thực tế sẽ giúp giảng viên đánh giá được chất lượng bài giảng từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy qua đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, khả năng đưa sản phẩm ra thị trường còn phải xem xét tới các yếu tố như các đội làm tới đâu và sự đón nhận của thị trường thế nào”.
Được biết, các đội thi sẽ tham gia thi tại 3 hạng mục chính là đưa trí tuệ nhân tạo vào các ứng dụng sẵn có trên VR, Hololens, Hologram, Kinect; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho giáo dục; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực bất kỳ. Tham gia thi đấu, các đội thi sẽ được trải nghiệm trong môi trường làm việc áp lực suốt 48 giờ đồng hồ.
3 đội xuất sắc nhất sẽ nhận các giải thưởng gồm gói tài trợ từ Facebook Start trị giá 240.000USD; 2.000USD từ Google Cloud; 36.000 USD tín dụng sử dụng điện toán trong 12 tháng từ IBM.
Bên cạnh đó, các thí sinh còn có cơ hội nhận học bổng chuyên ngành AI tại JAIST (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản), 6 tháng fellowship với TOPICA AI Edtech Lab, trọn gói 4 vé tham gia Edtech Asia Summit 2017cùng khoản tiền mặt 50 triệu đồng.