Doanh nghiệp
"Sân nhà" bị bỏ ngỏ, sản xuất trong nước bị hàng nhập đe dọa
Thanh Hương - 05/07/2023 09:03
Sức hấp dẫn từ thị trường gần 100 triệu dân, cùng với việc tham gia nhiều FTA, các quy định với hàng nhập khẩu chưa chặt chẽ, khiến Việt Nam thành mảnh đất màu mỡ với hàng nhập khẩu.

Năm 2021, khi đặt vấn đề xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, với quy mô khoảng 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu việc làm cao, gần 70% dân số ở khu vực nông thôn, muốn độc lập, tự chủ và thịnh vượng thì nền kinh tế đó phải có ngành sản xuất chế biến chế tạo phát triển lớn mạnh để bền vững.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn từ thị trường gần 100 triệu dân, cùng với việc tham gia nhiều FTA, các quy định trong nước đối với hàng nhập khẩu chưa chặt chẽ, Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ đối với nhiều loại hàng hóa nước ngoài.

Sản xuất trong nước chưa kịp lớn, lợi thế nhân công giá rẻ đang mất dần, chưa tạo được vị thế trong chuỗi giá trị thế giới, nhiều ngành cũng đối mặt với nguy cơ thua trắng trên sân nhà

May mặc, giày dép, nông nghiệp - tưởng là ưu thế, nhưng giật mình với số liệu nhập khẩu

Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam đang nhập siêu với một số thị trường có nền công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển, nhất là các quốc gia lân cận.

Đơn cử như Trung Quốc, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu 60,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2021.

Với thị trường Hàn Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc đạt 86,4 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2021. Tuy nhiên, nhập siêu của Việt Nam có giá trị 37,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Với khối ASEAN, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều với Việt Nam đạt 81,3 tỷ USD trong năm 2022 thì nhập siêu từ Việt Nam giá trị 13,2 tỷ USD.

Ví dụ dễ nhận thấy là hàng dệt may và giày dép. Dù có kim ngạch xuất khẩu tới trên 70 tỷ USD trong năm 2022, nhưng nhưng thời trang Việt lại thất thế ngay chính trên sân nhà, đánh rơi thị trường nội địa trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Số liệu từ Euromonitor cho thấy, 3 doanh nghiệp đứng đầu trong top 10 đều thuộc về khối ngoại, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng là Adidas, Inditex (đơn vị sở hữu thương hiệu Zara, Bershka, Stradivarius, Pull&Bear…) và H&M được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng.

Thậm chí, nhiều thương hiệu dù mới đặt chân vào thị trường đã được đón nhận nồng nhiệt như Uniqlo. Chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu này đã có 15 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc với diện tích rất lớn, luôn thu hút đông khách hàng.

Tương tự, thị trường giày dép trong nước hầu như cũng vắng bóng thương hiệu nội địa từ nhiều năm qua.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất cho các hãng thời trang lớn trên thế giới cho hay, chuyện thương hiệu Việt Nam gia công ở nước ngoài rồi mang về bán ở Việt Nam trong ngành may mặc, giày dép không còn là hiếm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ông quen làm hàng xuất khẩu, với nguyên liệu chất lượng cao, nhưng lại không thể cạnh tranh khi quay về thị trường nội địa với hàng giá rẻ, chất lượng thấp hơn. Sau 3 - 4 năm, công ty buộc phải quay sang tập trung cho đơn hàng gia công xuất khẩu.

Dĩ nhiên, điều này cũng báo động nguy cơ thu hẹp sản xuất tại Việt Nam với các doanh nghiệp không gia công phục vụ xuất khẩu cùng tâm lý đặt hàng tại những công xưởng thế giới cho nhanh, rẻ.

Không chỉ trong công nghiệp, dù là nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam đang nhập khẩu lượng không nhỏ các sản phẩm nông nghiệp bởi tâm lý “rẻ”.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, chỉ trong quý I/2023, Việt Nam đã nhập khẩu gần 130.460 tấn thịt và sản phẩm từ thịt với trị giá 271,36 triệu USD. Trước đó năm 2022, đã có 680.030 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu với trị giá 1,49 tỷ USD.

Với mặt hàng điều mà Việt Nam được đánh giá là quốc gia chế biến hàng đầu thế giới, cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 2 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 10.158 tấn nhân điều được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô.

Chế biến điều để xuất khẩu

Còn trong năm 2022, số liệu hải quan cho thấy, đã có 78.583 tấn nhân điều được nhập khẩu, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô, lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong một năm qua.

Công nghiệp nặng: Cả thép hay ô tô ngoại đều chực chờ đổ bộ

Là ngành sản xuất công nghiệp nền tảng, ngành thép đang chứng kiến sự gia tăng của hàng ngoại, nhằm lấn sân sản xuất trong nước.

Số liệu được các doanh nghiệp thép thống kê cho thấy, năm 2022, Trung Quốc đã xuất khẩu 67,32 triệu tấn thép, tăng 600.000 tấn so với năm 2021. Tiếp đó trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã đạt 36,37 triệu tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc xuất khẩu thép từ Trung Quốc tăng mạnh trở lại được cho là bởi đồng Nhân dân tệ đang suy yếu, mất giá khoảng 5% khiến cho giá sản phẩm thép của nước này cạnh tranh hơn hẳn so với các nước xuất khẩu khác. Cũng còn có nguyên nhân khác là thị trường bất động sản tại Trung Quốc vẫn ảm đạm, nhu cầu trong nước thấp, buộc các nhà sản xuất phải xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.Trong khi đí, tại một số thị trường tại Đông Nam Á như Philippine, Indonesia  hay Trung Đông, châu Phi, nhu cầu thép đang tăng trở lại.

Việc các nhà máy tại Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giải phóng hàng tồn kho cũng dấy lên lo ngại giá thép toàn cầu chịu áp lực, nhất là những nước nằm gần Trung Quốc như Việt Nam.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, cả năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 11,679 triệu tấn với trị giá hơn 11,92 tỷ USD, tăng 3,04% về giá trị so với cùng kỳ 2021.

Còn trong 5 tháng đầu năm 2022, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng đã thống kê được 5,065 triệu tấn thép các loại được nhập khẩu vào Việt Nam. Trong số này, lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt 2,652 triệu tấn, chiếm hơn 52 % tổng sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt trong tháng 03/2023, lượng nhập thép từ Trung Quốc tăng 146% so với tháng 03/2022.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, năm 2016, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh cao với 115 triệu tấn. Còn riêng trong tháng 5/2023, xuất khẩu thép của nước này đã đạt khoảng 8 triệu tấn, là một con số cũng rất ấn tượng kể từ năm 2016 tới giờ. Dù lực cầu trong nước vẫn còn yếu nhưng do giá thép Trung Quốc được hỗ trợ bởi đồng Nhân dân tệ yếu nên nhiều doanh nghiệp thương mại đã ôm hàng.

Trong ngành công nghiệp ô tô, năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) trong khối ASEAN bắt đầu về 0%, ngay lập tức, thị trường ô tô Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều xe CBU.

Dù có nhà máy tại Việt Nam nhưng Mitsubishi đã nhập khẩu xe nguyên chiếc rất lớn

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2019, các thành viên đã nhập khẩu 118.443 xe CBU các loại. So với 193.710 xe được sản xuất và lắp ráp trong nước cùng thời gian, có thể thấy tỷ trọng của xe CBU không hề nhỏ.

Nhập khẩu nhiều nhất là Công ty Mitsubishi Việt Nam với 26.807 xe, chiếm tỷ trọng tới 87% tổng các loại xe mà doanh nghiệp này bán ra, dù có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam.

Tỷ trọng nhập khẩu xe CBU của Mitsubishi Việt Nam cũng liên tục cao với mức 84% vào năm 2020; 85% vào năm 2021 và 86% trong 8 tháng năm 2022.

Suzuki Việt Nam cũng có lượng xe CBU cao với trên 70% doanh số bán hàng. Cụ thể, năm 2019, xe CBU chiếm tỷ trọng 75% doanh số bán hàng. Năm 2020, tỷ trọng xe CBU là 77%, năm 2021 là 75% và 8 tháng năm 2022 là 73%.

Thị trường thế giới siết chặt, trong nước bỏ ngỏ, sản xuất trong nước loay hoay

Chuyên gia về hội nhập Bùi Kim Thuỳ cho hay, việc hàng loạt FTA được ký kết thời gian qua đã mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam khi xuất khẩu, nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực cạnh tranh lên các ngành công nghiệp tại Việt Nam trên nhiều mặt như quy tắc xuất xứ/tỷ lệ nội địa hóa, quy định về lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS)...

Cạnh đó, cũng có thực tế một số ngành đồng thời phải đối phó với nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt “hàng Việt Nam” để lẩn tránh quy tắc xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp áp thuế đối với hàng có nguồn gốc nước ngoài đang gia tăng để hưởng lợi từ các FTA với Việt Nam và các thị trường xuất khẩu.

Điều này cũng cho thấy những rủi ro, khiến Việt Nam có thể rơi vào “bẫy” bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế chống phá giá nếu thiếu các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình.

 “Các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Một số thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã sử dụng tốt các rào cản với hàng nhập khẩu để hạn chế sự đổ bộ của hàng nhập khẩu, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước”,  bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, từng là Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) nhận xét.

Bất động sản ế ẩm, đồng Nhân dân tệ giảm giá khiến thép Trung Quốc lại ào ạt xuất khẩu sang các nước lân cận

Theo các chuyên gia, sự hạn chế này có thể thông qua việc nhiều quốc gia yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.

Tại Viêt Nam, trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN để được thông quan thép nhập khẩu phải trải qua 2 công đoạn là kiểm định chất lượng tại Tổ chức kiểm định được chỉ định, sau đó doanh nghiệp đem giấy kiểm định qua Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Sở Khoa học và Công nghệ để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng. Chỉ khi có giấy này hàng hoá mới được thông quan.

Tuy nhiên, ngày 21/9/2017, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 của liên Bộ Công thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

Điều này khiến cho trình tự, thủ tục xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép, xác nhận kê khai nhập khẩu thép, trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu, các hình thức kiểm tra giảm … đều được hủy bỏ.

Cũng chính việc nới lỏng quy trình kiểm tra chất lượng này mà ngay khi có cơ hội, thép nước ngoài lại ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là thép có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép kiến nghị, Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan cần xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra thép nhập khẩu vào Việt Nam.

Trước thực tế gia tăng của một số mặt hàng thép nhập gần đây, ông Nghiêm Xuân Đa cũng cho rằng, biện pháp phòng vệ thương mại cần được tính toán để bảo vệ sản xuất trong nước. Điều này nhằm góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước, các nhà đầu tư yên tâm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo kế hoạch đã định. 

Tin liên quan
Tin khác