Để hàng Việt Nam có “chỗ đứng” trên sân nhà
Nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao trong suốt 20 năm qua. Thực tế, giá trị tổng sản phẩm trong nước trên đà tăng nhanh, thu nhập bình quân GDP đã đạt trên 1.000 USD người/năm cho thấy sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn hạn chế, hàm lượng trí tuệ và công nghệ trong sản phẩm hàng hóa còn thấp, thị trường nội địa chưa được quan tâm khai thác, tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Do đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như: Cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản…
Người tiêu dùng mua các sản phẩm nông sản Việt tại siêu thị |
Trước thực tế trên, năm 2009, Bộ Chính trị đã tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và trong nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng Việt, Ban chỉ đạo cuộc vận động đã tổ chức chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" để vinh danh, lan tỏa thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Năm 2023 là năm chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" được tổ chức lần thứ 13. Chương trình tiếp tục trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của TP. Hà Nội nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội cho biết, qua 13 năm triển khai cuộc vận động, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã có sự sáng tạo trong xây dựng sản phẩm hàng hóa, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng yêu thích.
"Chúng ta đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về với người dân và người tiêu dùng, đồng thời tích cực tham gia bình ổn thị trường sau tác động đại dịch và tác động lạm phát. Đây là cố gắng lớn của Thủ đô và cả hệ thống chính trị", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức 7 phiên chợ Việt, 5 tuần hàng Việt nhằm kích cầu nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây, thủy sản, sản phẩm OCOP và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng tại các quận, huyện trên khắp địa bàn Thành phố.
Đến nay, Hà Nội đã có thêm 10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm OCOP trên địa bàn Thành phố lên khoảng 80 địa điểm.
Theo bà Bùi Thị Bẩy, chủ cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội cho biết, cửa hàng bà nhập chủ yếu là hàng hóa sản xuất trong nước để phục vụ người tiêu dùng. Bà Bẩy chia sẻ: "Hiện nay, hàng Việt được các doanh nghiệp sản xuất trong nước không ngừng cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, hơn thế lại có nguồn gốc rõ ràng, do đó sản phẩm Việt tại cửa hàng tôi bán chạy hơn so với hàng nhập khẩu".
Lan tỏa thương hiệu Việt
Việc quảng bá và xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận đến người tiêu dùng. Bằng cách tạo ra những chiến dịch quảng bá sáng tạo và tác động trực tiếp tới ý thức và nhận thức của người tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể tạo ra sự tò mò và quan tâm đối với các sản phẩm Việt Nam.
Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam cũng giúp người tiêu dùng nhận biết và đánh giá chất lượng của sản phẩm, từ đó có được sự tin tưởng và sự ưu tiên từ người tiêu dùng.
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP Việt tại điểm bán hàng OCOP |
Để thúc đẩy việc quảng bá và xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức các hội chợ, Festival, tuần lễ, hội nghị kết nối giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đến các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng trong và ngoài nước,...
Song song với đó, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các "Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình", "Gian hàng giảm giá", "Hội chợ hàng Việt", "Chợ lưu động", "Siêu thị Công đoàn"… với hàng hóa là thương hiệu Việt ở các khu đông công nhân lao động sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà trọ, nhà ở công nhân,…
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Ở góc độ là một người tiêu dùng, chị Mai Hoa (Ba Đình, Hà Nội) mong muốn trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen cho người tiêu dùng.