Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến, các doanh nghiệp đều nêu cao tinh thần giúp nhau vượt qua khó khăn Ảnh: Chí Cường |
Cùng gánh rủi ro
Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV) đã khởi kiện Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Lapen, Công ty cổ phần Quốc tế truyền thông (IMC)... ra tòa, với lý do dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề, đề nghị được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê địa điểm mà không phải bồi thường. Hay như mới đây, Thế giới Di động cũng gửi “tối hậu thư” đến chủ nhà yêu cầu giảm giá thuê hoặc thanh lý hợp đồng.
Ảnh hưởng từ đại dịch đã làm bùng nổ số lượng các vụ tranh chấp pháp lý trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo đại diện Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chưa bao giờ, VMC nhận được các yêu cầu về xử lý tranh chấp nhiều như trong 2 năm trở lại đây, liên quan đến diễn giải điều khoản “sự kiện bất khả kháng” và diễn giải điều khoản “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.
Số liệu cho thấy, 78% vụ việc liên quan đến dân sự, kinh doanh thương mại và lao động trong số vụ tranh chấp của doanh nghiệp gia tăng mạnh mà tòa án các cấp trong cả nước thụ lý. Ngoài ra, các tranh chấp thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng cao.
Hệ luỵ “vô tiền khoáng hậu” của đại dịch đã tạo ra sự tranh chấp, tranh cãi khi các bên không chuẩn bị trước cho tình huống này. Các doanh nghiệp không thể lường trước được, chính vì vậy, đây có thể là tình huống “bất khả kháng”, tạo ra hoàn cảnh éo le khiến doanh nghiệp không đủ sức để thực hiện các hợp đồng.
Cho nên, các bên đều cố gắng kiện tụng để đẩy rủi ro cho phía bên kia. Những đối tượng bị kiện tụng cũng ra sức để đưa tình huống của mình vào xem xét trong hoàn cảnh khách quan không thể lường trước được.
Những thông tin đó tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong bối cảnh đại dịch khiến cộng đồng doanh nghiệp, các nhà làm chính sách có mặt tại cuộc tọa đàm trực tuyến “San sẻ trách nhiệm vượt khó mùa dịch”, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, rất tâm trạng.
“Thay vì ra tòa, các doanh nghiệp nên hợp tác, đoàn kết, san sẻ. Có rất nhiều trung tâm hòa giải, đó là cơ chế giải quyết mang tính hợp tác, giảm thiểu tổn thất và thời gian”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
Những vụ lùm xùm, ai cũng muốn giành lợi ích cho mình đó trái ngược với số đông doanh nghiệp còn lại. Đơn giản vì họ hiểu, Covid-19 là tác nhân thúc đẩy doanh nghiệp phải ứng biến nhanh hơn trong mọi tình huống xấu, ngoài ý muốn.
“Chúng ta đã san sẻ, trước hết là vì tình thế và sau là vì việc san sẻ đã trở thành một phương châm, triết lý kinh doanh và trong tương lai sẽ trở thành một đòi hỏi, yêu cầu để cùng tồn tại, cùng phát triển”, ông Hiếu nhấn mạnh. Với doanh nghiệp là tự nguyện, nhưng Nhà nước cũng phải có một cơ chế thúc đẩy, bảo vệ.
Ông Thue Quist Thomasen, Chủ tịch Phòng Thương mại Bắc Âu tại Việt Nam (NordCham Việt Nam), Giám đốc YouGov Vietnam ghi nhận, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp giúp doanh nghiệp và cá nhân phục hồi sau dịch Covid-19, chẳng hạn giảm thuế hoặc tiền thuê đất. Thêm vào đó, Chính phủ cũng từng bước mở cửa để đón khách du lịch quốc tế đến một số tỉnh ở Việt Nam kể từ ngày 5/11/2021. Điều này cho thấy tiềm năng phục hồi của ngành du lịch và lữ hành. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng tìm cách thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Nói về trách nhiệm san sẻ, ông Thue Quist Thomasen cho biết: “Chúng tôi luôn đứng đây, sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp muốn quay trở lại Việt Nam kinh doanh. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất quan trọng trong thu hút nhà đầu tư đến Việt Nam”.
“Mặc dù cuộc sống đang trở lại bình thường, nhưng cuộc chiến chống dịch vẫn chưa đi đến hồi kết. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến gay go này”, ông Thue Quist Thomasen nói thêm.
Được biết, tháng 8/2021, chiến dịch “Breathe Again Vietnam” đã kêu gọi các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các nhà đầu tư, doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và trên khắp Liên minh châu Âu quyên góp hơn 1,2 triệu euro để hỗ trợ Việt Nam chống Covid-19.
Truyền năng lượng tích cực tới số đông
Tọa đàm “San sẻ trách nhiệm vượt khó mùa dịch” đã đem lại những thông điệp tích cực tới cộng đồng. Những doanh nghiệp chung tay trong cuộc chiến chống dịch mong những năng lượng tích cực đó tiếp tục được nhân lên với nhiều hình thức, hành động khác nhau để mỗi người có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống, vơi bớt nỗi lo.
“Những quan điểm, triết lý, tinh thần chia sẻ với nhau có thể nhân rộng ở nhiều loại hình khác để có thêm nhiều người được chia sẻ, giúp đỡ. Mong rằng những giá trị tốt đẹp đó sẽ được nhân lên trong nhiều hoàn cảnh”, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh kỳ vọng.
Ngoài việc khiến cuộc sống của mọi người đảo lộn trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 còn khiến các dự định, mục tiêu lớn của thế giới bị thay đổi. Nó xóa sạch những tiến bộ nhiều nước đạt được trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới tụt hậu trở lại cả thập niên. Trong khi đó, tương lai của đại dịch vẫn còn chưa rõ ràng, thì câu hỏi lớn về phát triển và phục hồi bền vững cho các nền kinh tế cũng đang được cân đo.
Dù diễn biến dịch bệnh được dự báo còn phức tạp, khó lường, nhất là trong thời gian mùa Đông và mùa Xuân, song thế giới đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vắc-xin và các biện pháp y tế cộng đồng khác, cùng với tinh thần chung sức, đồng lòng, không để ai bị lãng quên. Chính những tia hy vọng ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống Covid-19. Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư không ngoại lệ.