Sau 2 quý thua lỗ, Thép Nam Kim ước đạt 120 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2019, giúp lợi nhuận lũy kế nửa đầu năm đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng. |
“Sang tay” chớp nhoáng
Cú thâu tóm Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG - HOSE) có thể coi là đã hoàn tất trong tuần qua, khi công ty này bổ nhiệm ông Võ Hoàng Vũ giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm nhiệm vị trí Người đại diện theo pháp luật từ ngày 10/7/2019.
Ông Vũ là một trong 2 nhân sự mới vừa được bầu bổ sung vào HĐQT của Thép Nam Kim tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 29/6. Ông Vũ đồng thời là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thương Mại SMC, đối tác đang muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Thép Nam Kim.
Ông Võ Hoàng Vũ đã hoàn tất mua vào 15 triệu cổ phiếu, tương đương 8,24% vốn tại Thép Nam Kim ngày 8/7 qua phương thức thỏa thuận. Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư P&Q - công ty riêng của ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Thép Nam Kim vừa hoàn tất việc bán 19 triệu cổ phiếu NKG, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn 6,85 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn của Thép Nam Kim. Giá bán bình quân 5.830 đồng/cổ phần, thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch trên thị trường cùng thời điểm.
Theo một số nhà đầu tư, việc sang tay cổ phiếu ở giá sàn không những giúp các bên “né” được thuế, phí, mà có khả năng, các cổ đông nội bộ muốn tiếp tục gom thêm cổ phiếu từ các nhà đầu tư nhỏ thiếu kiên nhẫn.
Diễn biến liên quan đến động thái này là việc SMC đăng ký mua thêm 6,3 triệu cổ phiếu NKG để trở thành cổ đông lớn của Thép Nam Kim. Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Thép Nam Kim là bà Trần Ngọc Diệu cũng đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu NKG.
Khả năng đổi vận?
Giới đầu tư nhận định, đây là thương vụ “cá bé nuốt cá lớn”. SMC có vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng, bằng 1/3 vốn điều lệ của Thép Nam Kim. Lĩnh vực kinh doanh chính của SMC là phân phối các sản phẩm thép, doanh thu giai đoạn 2016 - 2018 khá tương đồng với Thép Nam Kim, nhưng lợi nhuận có sự chênh lệch. Nếu năm 2016 và 2017, lợi nhuận của SMC đều thấp hơn Thép Nam Kim, thì năm 2018, lãi sau thuế của SMC đạt 171 tỷ đồng, cao gấp 3 lần Thép Nam Kim.
Việc thâu tóm được kỳ vọng sẽ đem lại tương lai khả quan hơn cho Thép Nam Kim. Được biết, tân Tổng giám đốc của Thép Nam Kim, ông Võ Hoàng Vũ từng kinh qua vị trí Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc tại SMC trong 12 năm qua.
Thép Nam Kim đã đề xuất phát hành riêng lẻ tối đa 30 triệu cổ phiếu, tương đương 16% lượng cổ phiếu lưu hành hiện nay, với thời gian thực hiện dự kiến là từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, thời gian hạn chế chuyển nhượng không dưới 1 năm và chưa có thông tin về giá phát hành.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt, đợt phát hành riêng lẻ này là một phần nỗ lực giảm nợ vay và củng cố dòng tiền của Thép Nam Kim. Doanh thu trong nước của Thép Nam Kim phục hồi và quá trình giảm nợ vay đang tiếp tục diễn ra là những điểm sáng trong kết quả kinh doanh của Công ty.
Tuy nhiên, Chứng khoán Bản Việt cũng lưu ý, tình hình ngành thép còn nhiều thử thách sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng sản lượng cũng như biên lợi nhuận, qua đó kìm hãm các nỗ lực gia tăng lợi nhuận của Thép Nam Kim.
Chuyển nhượng tài sản để giảm dư nợ trung hạn
Sau 2 quý thua lỗ, Thép Nam Kim ước đạt 120 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2019, giúp lợi nhuận lũy kế nửa đầu năm đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ việc bán tài sản, gồm chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1 và chuyển nhượng phần vốn góp trong liên doanh Nam Kim Corea. Thông qua các thương vụ chuyển nhượng, Thép Nam Kim dự kiến thu về khoảng 850 tỷ đồng và sử dụng để giảm dư nợ trung hạn. Công ty đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2019 đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 5% và lãi sau thuế 295 tỷ đồng.