Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong 10 năm, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh |
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đánh giá kết quả đạt được trong 10 năm qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Cụ thể, trong 10 năm, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch Covid-19…
Mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước được bảo đảm, chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ (khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW) xuống còn 0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,22%/tổng dư nợ (thời điểm ngày 31/7/2024).
Đánh giá cao kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 6 định hướng lớn của tín dụng chính sách trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội (Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới) và về tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư), Chiến lược Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 theo Quyết định của của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, thực tiễn đã chứng minh mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trong 21 năm qua là phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện trong từng giai đoạn của Việt Nam. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện hiệu quả công tác điều hành; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác/ủy nhiệm giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội, ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn tại các Điểm giao dịch xã. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.
Thứ ba, các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững; chủ động báo cáo, tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, đảm bảo nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội…
Thứ tư, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội… Đặc biệt, với tinh thần “Trung ương và địa phương cùng làm”, cần quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng gói 30.000 tỷ đồng (cho vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội) giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, trong đó 15.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.
Thứ năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân.
Thứ sáu, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.