Doanh nghiệp
Sau M&A, người Thái lại toan tính nhắm vào chứng khoán Việt
Nam Phương - 06/12/2016 08:29
Không ồn ào như các tập đoàn đồng hương đi “chinh chiến” M&A, nhưng dòng vốn gián tiếp từ Thái Lan đang ẩn chứa khả năng khuấy đảo thị trường chứng khoán Việt trong thời gian tới. Những gì nhà đầu tư Thái Lan đang toan tính đã cho thấy điều này.

Miếng bánh hấp dẫn

Không có gì lạ khi ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Thế giới Di động bị vây kín bởi nhà đầu tư đến Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam” (do Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng tổ chức tại FYI Center,  Bangkok - Thái Lan vào đầu tháng 11 vừa rồi). Với dân số trên 93 triệu người, tốc độ đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu lớn mạnh, thị trường hàng tiêu dùng và lĩnh vực phân phối, bán lẻ Việt Nam đang là miếng bánh hấp dẫn khó cưỡng với giới đầu tư nước ngoài.

Giới phân tích vẫn nói, đây là nguyên cớ của hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) khủng của các nhà đầu tư quốc tịch Thái Lan tại thị trường Việt Nam vài năm qua.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Thế giới Di động trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư Thái Lan.

Đầu tiên phải kể tới năm 2012, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Đây cũng là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam cho tới nay

Sau đó, đầu tháng 8/2014, Tập đoàn Metro (Đức) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan về việc chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ tại Việt Nam. Đầu năm 2016, thương vụ này kết thúc với sự ra tay của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi của TCC Group - công ty mẹ của BJC với trị giá 655 triệu EUR.

Ngay sau đó là vụ M&A đình đám của Tập đoàn Central Group khi gần như cùng lúc tuyên bố đã mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim và hệ thống Big C Việt Nam.

Tất nhiên, mối quan tâm của giới đầu tư với người đứng đầu Thế giới Di động – Nguyễn Đức Tài có đôi chút khác biệt, bởi họ là nhà đầu tư tài chính, chứng khoán, nhưng mục tiêu chung không thể khác - đó là lợi nhuận. Bản thân nhà đầu tư gạo cội Niwes Hemvachiravarakorn, người được vinh danh là “Warren Buffett Thái Lan” cũng thẳng thắn nhìn nhận điều này.

Ông Hemvachiravarakorn đã đầu tư tại Việt Nam từ 2 năm trước với 50 cổ phiếu được định giá thấp. Ông hài hước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhỏ, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam với vốn hóa 500 triệu USD cũng chỉ ngang ngửa... một chuỗi spa của Thái. 

Thực tế, các số liệu chính thống cũng cho thấy sự cách xa  giữa hai thị trường chứng khoán Việt Nam và Thái Lan. Ở Việt Nam, thị trường cổ phiếu mới chiếm 38% GDP và thanh khoản hàng ngày cả hai sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) còn ở mức khá khiêm tốn là 171 triệu USD, chỉ bằng 1/10 ở thị trường chứng khoán Thái Lan. Nhưng, điểm sáng của thị trường Việt Nam là P/E mới ở mức 15x, tức là cổ phiếu Việt còn rẻ so với khu vực ASEAN.

Nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng giống Thái Lan 20 năm về trước. Câu chuyện tầng lớp trung lưu trẻ tuổi, sẵn sàng tiêu dùng của Thái Lan ngày xưa đang lặp lại ở Việt Nam.

“Đây là thời điểm chín muồi để các bạn rót vốn vào Việt Nam. Việt Nam là thị trường cận biên nên cổ phiếu còn rẻ, tiềm năng phát triển lớn và tốc độ tăng trưởng GDP ở đây khoảng 6%, cao hơn hẳn Thái Lan có 3%. Câu chuyện phát triển kinh tế của Việt Nam có nhiều nét giống Thái Lan, nên ai bỏ lỡ cơ hội đầu tư ngày xưa ở Thái thì nên đến Việt Nam ngay”, ông Hemvachiravarakorn chia sẻ kinh nghiệm kiếm lời.

Sự chín muồi về thời điểm còn ở chỗ, thị trường Thái Lan ngày càng trở nên khó tìm kiếm lợi nhuận hơn. Nhà đầu tư cá nhân Supath Bhromsaard cũng nói, ông đã đầu tư tại Thái Lan 30 năm rồi, từ hồi chứng khoán còn rẻ, giờ thì đắt quá.

“Tôi dự định chuyển hướng ra nước ngoài. Trong các nước xung quanh thì Việt Nam là khả thi nhất vì thị trường này khá giống Thái Lan thuở tôi mới “chân ướt chân ráo” chơi cổ phiếu”, ông Supath Bhromsaard tính toán.

Tất nhiên, không phải đơn giản để có ngay các quyết định dễ ăn. Ngay cả ông Nguyễn Đức Tài cũng nói đang cân nhắc và chưa có ý định nào với các lời mời làm nhà đầu tư chiến lược từ các nhà đầu tư Thái trong thời gian này. Nhưng rõ ràng, ông Tài và các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ lơ xu hướng này.

Thu hẹp những khác biệt

Dù lạc quan về cơ hội rộng mở của thị trường Việt Nam đến vậy, nhưng giới đầu tư tài chính Thái Lan vẫn chần chừ. Họ đang phải cân nhắc nhiều .

Bà Jarasrak Watanasingha, Phó chủ tịch Quỹ Kasikorn Asset Management cảm thấy không yên tâm khi không thấy nhiều sự tương đồng giữa tiêu chuẩn kế toán và quản trị công ty theo thông lệ quốc tế và quy định tương tự của Việt Nam.

“Ở Thái Lan, doanh nghiệp niêm yết được đánh giá mức độ minh bạch theo tiêu chuẩn quản trị công ty của Ngân hàng Thế giới (WB) và Thẻ điểm Quản trị doanh nghiệp ASEAN. Đa phần báo cáo tài chính đều tuân thủ Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IFRS). Điều này Việt Nam có nhiều khác biệt hơn khiến chúng tôi rất vất vả khi tìm hiểu doanh nghiệp”, bà Watanasingha thẳng thắn.   

Năm ngoái, Kasikorn AM đã giới thiệu Quỹ K-AEC với vốn đầu tư ban đầu 25 triệu USD dành cho các nước ASEAN. Các cổ phiếu Việt Nam đang chiếm 10% trong danh mục đầu tư của quỹ này. Bà Watanasingha cho biết, Kasikorn AM sẵn sàng tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ K-AEC cũng như của các quỹ hưu trí mà Công ty đang quản lý.

“Tất nhiên, điều kiện đủ là thanh khoản thị trường Việt Nam tăng và thông tin quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính được chuẩn hóa”, bà Jarasrak Watanasingha nói.

Có vẻ như các vấn đề về quản trị doanh nghiệp Việt Nam đang là “nỗi niềm khó giải thích” của các nhà đầu tư đến từ nước láng giềng này.

Bà Ikun Phitya-isarakul, Quản lý quỹ tư nhân của Phillip Capital kể, hai năm trước khi mở danh mục đầu tư tách biệt trị giá 20 triệu USD cho thị trường Việt Nam, bà đã nhiều lần sang Việt Nam, tìm hiểu doanh nghiệp cũng như cơ hội để đầu tư. Nhưng mọi việc không như kế hoạch đặt ra. Đến giờ, bà vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng.

“Ở Thái Lan, chúng tôi dễ dàng gặp trực tiếp chủ doanh nghiệp. Việc này vô cùng cần thiết để chúng tôi hiểu và quyết định có đầu tư vào doanh nghiệp hay không. Nhưng ở Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp chưa cởi mở. Tất nhiên,  mọi việc đã được cải thiện phần nào trong vòng 2-3 năm nay, nhưng vẫn chưa đủ. Các doanh nghiệp nên chủ động công bố thông tin, đặc biệt là bằng tiếng Anh, để tăng độ tin tưởng từ phía nhà đầu tư nước ngoài”, bà Pikun bày tỏ quan điểm.

Thực tế, việc công bố thông tin hay cởi mở hơn với nhà đầu tư không chỉ là để tăng cường độ tin tưởng. Ông Hemvachiravarakorn phân tích, đây là việc phải làm nếu doanh nghiệp muốn gọi thêm vốn.

Nhưng, chắc ông cũng hiểu sự khác biệt không hề nhỏ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan ở trên sàn chứng khoán. Ở Thái Lan, doanh nghiệp này thường quy mô lớn, do các tỷ phú thành lập và điều hành, vì vậy họ buộc phải minh bạch thông tin để gọi vốn. Còn tại Việt Nam, nhiều cái tên lớn trên sàn chứng khoán xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, phần vốn Nhà nước nắm giữ còn lớn, nên các lãnh đạo doanh nghiệp chưa quen với tiêu chuẩn quản trị công ty toàn cầu và chưa cởi mở với nhà đầu tư bên ngoài.  

“Tôi cho rằng, điều này cần thay đổi. Chúng tôi có bài học về minh bạch sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Sau lần đó, các thành viên HĐQT và ban giám đốc doanh nghiệp tại Thái Lan đều phải tham gia Học viện đào tạo ban giám đốc được thành lập từ năm 1999. Tôi nghĩ Việt Nam nên thành lập một cơ sở đào tạo tương tự”, ông Hemvachiravarakorn gợi ý.

Cũng phải nói thêm, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa cho dù còn nhiều dấu hỏi về quản trị, song lại chính là miếng bánh ngon mà giới đầu tư không chỉ từ Thái Lan đang nhòm ngó. Vào thời điểm này, những cái tên như Mobifone, Sabeco hay Vinamilk… đang được coi là “hàng nóng”. Thậm chí, ông Monthol Junchaya, Giám đốc đầu tư của One Asset Management tin chắc, sự có mặt của các đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa tới đây sẽ thay đổi dung mạo của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhưng chính sự háo hức của giới đầu tư Thái Lan với các thương hiệu lớn của Việt Nam cũng tạo nên những dấu hỏi không nhỏ. Nào là có khả năng họ sẽ trở thành cá mập, thâu tóm thị trường Việt Nam không? Nào là có hay không khả năng “mua để diệt” với những thương hiệu cùng lĩnh vực đầu tư hay không?

Tất nhiên, các nhà đầu tư thì vẫn nói, không nên đẩy vấn đề theo hướng này, nhất là với các nhà đầu tư tài chính. Nhưng mọi việc trong thương trường cạnh tranh, không thể bỏ qua bất cứ giả định nào. Nhiều nhà đầu tư Thái Lan cũng không ngần ngại bày tỏ mong muốn muốn có tiếng nói trong doanh nghiệp để giúp cải thiện quản trị doanh nghiệp.

Bà Phitya-isarakul là người chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, cần phải có giải pháp để tránh làm khó nhà đầu tư.

“Chúng tôi biết, Việt Nam đang quan tâm đến việc áp dụng NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) giống Thái Lan hay cổ phiếu vàng để mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp nhưng không làm mất thương hiệu Việt. Với tư cách là nhà đầu tư tài chính, tôi thấy NVDR là một ý tưởng hay vì hiện nay, chúng tôi phải mua nhiều cổ phiếu tốt của Việt Nam với giá rất cao và thậm chí là không có ai chịu bán để mua. Quyền được mua cổ phiếu đáng để tôi từ bỏ quyền biểu quyết tại doanh nghiệp”, bà Phitya-isarakul cho biết.

Không ồn ào như các tập đoàn đồng hương đi “chinh chiến” M&A, nhưng với các toan tính cụ thể của giới đầu tư, dòng vốn gián tiếp này ẩn chứa khả năng khuấy đảo thị trường chứng khoán Việt trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác