Doanh nghiệp
Sau nghị định 10, Grab và các hãng xe công nghệ bước vào hoạt động chính thức trên toàn quốc
Huy Sang - 10/03/2020 19:19
“Grab cũng như các hãng xe công nghệ được hoạt động bình thường và tự chọn mô hình phù hợp và đi vào hoạt động chính thức trên quy mô toàn quốc” là thông điệp chính mà ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT trả lời báo chí, mở ra một chương mới của ngành giao thông.

.

Cần thống nhất ở tất cả các cấp, tạo đà tiến bộ cho công nghệ giao thông

Khi triển khai Nghị định 10/2020 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông – Vận tải, nơi giúp Chính phủ soạn thảo và thực thi văn bản luật quan trọng này đã nắm chắc các quy định, phổ biến để thực thi trong thực tế. Song cũng khó tránh khỏi các địa phương có nơi hiểu chưa đúng và vận dụng chưa chuẩn làm doanh nghiệp bối rối.

Có những nơi cho rằng xe công nghệ sẽ cần dừng thí điểm.

Có nơi cho rằng tất cả phải chuyển đổi thành một loại hình gần như nhau và gần giống taxi.

Có nơi thậm chí cho rằng cần lo cho các tài xế công nghệ khi chuyển đổi sang mô hình khác do đã chấm dứt thí điểm.

Các cách hiểu trên đều chưa chính xác và càng chưa đúng với tinh thần do Chính phủ và Bộ GTVT đang đề ra và thực hiện trên thực tế.

Bộ GTVT đã có hướng dẫn đến tận các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab, Be, Fast Go... nhằm thực hiện đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định 10. Và theo điều 35 của Nghị định 10 quy định rõ là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có 2 lựa chọn:

Thứ nhất là đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải).

Và thứ hai là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) nhằm mục đích sinh lợi.

Do vậy, như ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải đã cho biết: “Các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại điều 35 của nghị định 10”. Nên Grab và các nền tảng gọi xe khác đều được phép đi vào hoạt động chính thức theo sự lựa chọn của mình, tiếp tục tạo công ăn việc làm cho đối tác tài xế, phục vụ khách hàng đang có. 

.

Chấm dứt thử nghiệm – Grab đi vào chính thức

Nghị định 10 với nhiều tiến bộ đã mở đường cho việc hiện đại hoá vận tải và hoạt động của các hãng gọi xe công nghệ như Grab.

Trước kia có nhiều khái niệm gây tranh cãi, nay đã được luật hoá như việc chấp nhận các công ty có thể chỉ tham gia một phần hoạt động vận tải. 

Nghị định cũng đưa ra quy định rõ cho việc “sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử” và đó là thừa nhận sự tồn tại và hoạt động chính thức của các loại hình vận chuyển mới như các hãng gọi xe công nghệ.

Tiếp theo, khái niệm hợp đồng điện tử như các xe công nghệ được thừa nhận. Đó cũng là một điểm mới mà tạo cơ sở tốt hơn.

Đồng thời nghị định đã đề cập chính thức đến phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cung cấp giao thức kết nối giữa đơn vị kinh doanh vận tải, giữa các lái xe với hành khách hoặc người thuê dịch vụ vận tải. Tất cả các hoạt động kết nối này đều có thể diễn ra trong môi trường số. 

Những tiến bộ rõ rệt của Nghị định mới này đã tạo nền tảng cho Grab hoạt động chính thức và lâu dài trong một môi trường kinh doanh lành mạnh. Và với cơ sở pháp lý chính thức này Grab đi vào hoạt động ở thị trường Việt Nam thay vì hoạt động dưới một đề án thí điểm như trước kia.

Xung quanh Nghị định mới một đại diện của Grab cho biết: “Việc áp dụng quy định mới sẽ không làm thay đổi lớn hay xáo trộn các hoạt động hiện tại của Grab. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thật kỹ Nghị định để tuân thủ đúng pháp luật, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Trước mắt, điều thay đổi nhỏ duy nhất là tất cả các xe GrabCar sẽ phải dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (gắn ở kính trước), logo hợp tác xã (gắn ở cửa) và tem GrabCar dán ở kính lái bên trong. Dịch vụ GrabBike sẽ vẫn hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý”, vị đại diện chia sẻ.

Ngoài ra, thời gian để hãng thực hiện tất cả những quy định này là trước ngày 1/7/2020, hãng tin rằng sẽ đủ để chuẩn bị thật chu đáo.

Chính vì thế, tài xế và khách hàng không cần quá hoang mang, lo lắng. Hoạt động đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng... trên nền tảng Grab vẫn diễn ra bình thường, các chính sách giá, khuyến mãi... vẫn được áp dụng bình thường, không có gì thay đổi.

Khi doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh – Khách hàng sẽ được lợi

Từ nay sẽ không còn câu chuyện kiện tụng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Tất cả đều có thể công khai, minh bạch kinh doanh dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng. Việc dán tem sẽ giúp Grab kiểm soát được lượng xe thực sự hoạt động, loại bỏ một phần lớn xe “chui” vốn là vấn đề nan giải của hãng trong thời gian qua. Đối tác tài xế của Grab vẫn sẽ có công việc ổn định và cơ hội tăng thu nhập từ nền tảng và các chính sách của Grab.

Cơ hội trở thành đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải chính thống sẽ giúp Grab mang đến nhiều quyền lợi cho khách hàng của mình.

Đặc biệt người được lợi nhất trong việc “công khai hóa” hoạt động của Grab chính là khách hàng. Vấn đề an toàn của khách hàng càng được củng cố hơn khi mà Grab hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát được lượng xe đăng ký. Chất lượng dịch vụ cũng vì thế mà tăng lên. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ cũng dễ dàng nhận diện được thương hiệu.

Nghị định 10/2020 cũng mở ra cho Grab hướng kinh doanh phủ rộng trên toàn quốc nếu có thể đảm bảo tuân thủ đúng quy định, không bị hạn chế ở một số địa phương như trong đề án thí điểm chỉ có Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Như vậy, xét về lâu dài, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Grab phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đại diện Grab cho rằng: “Tôn chỉ hoạt động của hãng là đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng và đối tác tài xế, tuân thủ mọi quy định của pháp luật, hướng đến sự phát triển của cộng đồng”.

Tin liên quan
Tin khác