Dự án Prime Resort & Hotels Cam Ranh do Đầu tư tài sản Koji làm cho Cam Lâm vay tiền triển khai dự án. Ảnh: Lê Toàn |
Bất ổn vị trí người đứng đầu
Kể từ đầu năm 2021 tới nay, sau khi có nhóm cổ đông liên quan Công ty TNHH Đầu tư Central Capital tham gia, CTCP Đầu tư tài sản Koji (trước đây là CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh, mã KPF) liên tục biến động vị trí Chủ tịch HĐQT.
Trong đó, ngày 15/6/2023, Công ty nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Hoàng Văn Hậu với lý do cá nhân, nên không thể tiếp tục tham gia hoạt động của HĐQT nói chung và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nói riêng.
Chỉ trong thời gian hơn 2 năm, Đầu tư tài sản Koji đã 4 lần thay đổi chức danh Chủ tịch HĐQT và đang tiếp tục hướng tới người thứ 5 ở vị trí này.
Sắp tới, ngày 10/7, Đầu tư tài sản Koji sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 8/8 để bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT thay ông Hoàng Văn Hậu. Đồng thời, sẽ bầu lại Chủ tịch HĐQT.
Dấu ấn “niêm yết cửa sau” của Central Capital
Năm 2021, Đầu tư tài sản Koji tăng vốn điều lệ từ 180,2 tỷ đồng lên 579,7 tỷ đồng. Trong đó, phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức 1,8 triệu cổ phiếu, chào bán riêng lẻ 2,11 triệu cổ phiếu và chào bán ra công chúng 36,04 tỷ đồng (tỷ lệ chào bán 1:2 và giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu).
Trong tổng số tiền huy động 423,44 tỷ đồng, Đầu tư tài sản Koji dùng 294 tỷ đồng góp vốn mua 98% vốn tại Công ty CP TTC Deluxe Sài Gòn (bên bán là nhóm cổ đông liên quan Central Capital); 120 tỷ đồng góp vốn hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Khu phức hợp và Nhà ở Phước Lợi; 9,44 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Trên website của Công ty TNHH Đầu tư Central Capital (Central Capital) giới thiệu dự án thuộc sở hữu của Công ty như Dự án Central Capital Bulding do CTCP TTC Deluxe Sài Gòn là chủ đầu tư tại vị trí số 20 - 22 - 24, Đông Du, Bến Nghé, quận 1, TP.HCM với diện tích 257,6 m2.
Sau đợt tăng vốn năm 2021, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi khi ông Vũ Đức Toàn giảm sở hữu từ 18,36% về 6,28% vốn điều lệ (cổ đông lớn duy nhất); và các cổ đông khác (sở hữu dưới 5% vốn điều lệ) tăng sở hữu từ 81,64% lên 93,72% vốn điều lệ.
Như vậy, đợt tăng vốn năm 2021 được thực hiện thông qua chào bán cho nhà đầu tư nhỏ, sau đó tiền này được Công ty ngay lập tức mua đơn vị liên quan tới Central Capital.
Thêm nữa, tới cuối tháng 6/2022, Đầu tư tài sản Koji thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 47,27 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 1.081,4 tỷ đồng, giá chào bán 13.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Theo kế hoạch, cả nhóm cổ đông góp thêm vào Đầu tư tài sản Koji trong đợt phát hành riêng lẻ năm 2022 và số tiền huy động dùng vào mua cổ phần các đơn vị khác đều có mối liên quan nhất định đối với bà Trần Thị Dịu Hoà, cũng như với Central Capital.
Mặc dù vậy, đợt chào bán riêng lẻ năm 2022 vẫn chưa được thực hiện, lý do được Đầu tư tài sản Koji đưa ra do bối cảnh thị trường chung không còn thuận lợi, thanh khoản sụt giảm, cùng với định hướng hạn chế dòng tiền chảy nóng vào thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý đã ảnh hưởng tới kế hoạch tăng vốn của Công ty.
Mặc dù đợt tăng vốn năm 2022 không thành công, tuy nhiên tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Đầu tư Tài Sản Koji là 814,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu 461,5 tỷ đồng các khoản phải thu về cho vay, chiếm 56,7% tổng tài sản (bao gồm 152,64 tỷ đồng CTCP Tư vấn Đầu tư KIN Capital; 95,1 tỷ đồng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu; 91,9 tỷ đồng Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm; 72,22 tỷ đồng CTCP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương; 26,4 tỷ đồng Công ty TNHH New World Capital …); 144 tỷ đồng đầu tư Công ty liên kết là CTCP TTC Deluxe Sài Gòn, chiếm 17,7% tổng tài sản; đầu tư 86,38 tỷ đồng trái phiếu Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu, chiếm 10,6% tổng tài sản; đầu tư 72,98 tỷ đồng CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Son, chiếm 9% tổng tài sản…
Trong đó, nhiều đơn vị như CTCP TTC Deluxe Sài Gòn, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu … đều có mối liên hệ nhất định tới Central Capital.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư Central Capital có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Dịu Hoà. Tuy nhiên, ngày 13/9/2022, Công ty đã thay đổi Tổng giám đốc từ bà Hoà sang ông Kim Ki Hong (quốc tịch Hàn Quốc). Trong đó, thời điểm 27/9/2021, Công ty có hai cổ đông lớn là Vũ Đức Toàn sở hữu 57,27% vốn điều lệ và bà Hoà sở hữu 42,73% vốn điều lệ. Đầu tư Phúc Hậu được thành lập năm 2011 và trước đây người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Dịu Hoà.
Thêm nữa, theo dữ liệu Báo Đầu tư tìm hiểu, hoạt động kinh doanh của Central Capital liên tục gặp khó khăn. Trong đó, năm 2020 ghi nhận lỗ 27,9 tỷ đồng, năm 2021 ghi nhận lỗ 30,4 tỷ đồng và năm 2022 ghi nhận lãi nhẹ 3,65 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý tính tới 31/12/2022, tỷ lệ nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu lên tới 2,63 lần, tương ứng tổng dư nợ 599,7 tỷ đồng.
Theo quy định niêm yết trên HoSE, doanh nghiệp phải có 2 năm kinh doanh gần nhất có lãi, không có lỗ luỹ kế tới thời điểm đăng ký niêm yết.
Như vậy, nếu thực hiện niêm yết trực tiếp Central Capital, doanh nghiệp này khó lòng đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết. Tuy nhiên, bằng việc góp vốn, sau đó dùng vốn huy động mua các tài sản liên quan tới Central Capital, Central Capital có thể gián tiếp đưa các tài sản của mình niêm yết trên sàn thông qua pháp nhân Đầu tư tài sản Koji (đã niêm yết tháng 3/2016), đây là đặc điểm tương đồng với khái niệm niêm yết cửa sau (Backdoor Listing).
Về kinh doanh, Đầu tư tài sản Koji đặt kế hoạch tham vọng trong năm 2022, nhưng kết thúc năm tài chính, Công ty chỉ ghi nhận tổng doanh thu 102,8 tỷ đồng, hoàn thành 22,83% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 71,5 tỷ đồng, hoàn thành 34,9% so với kế hoạch lãi 205 tỷ đồng. Và trong quý đầu năm 2023, Công ty tiếp tục ghi nhận lợi nhuận giảm 36,6%, về 10,21 tỷ đồng và hoàn thành 16% so với kế hoạch năm lãi 63,75 tỷ đồng.