Tổng số doanh nghiệp mà SCIC sẽ tiếp nhận là bao nhiêu, thưa ông?
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg (ngày 17/8/2017) về việc Phê duyệt “Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020” thì các bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC tại 62 doanh nghiệp.
Năm 2018, chúng tôi đã chủ động làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thông qua 6 đoàn công tác liên ngành nhằm đôn đốc và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Kết quả là đến thời điểm này, SCIC đã tiếp nhận 30 doanh nghiệp, số còn lại, chúng tôi đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đã xây dựng dự thảo biên bản bàn giao đối với từng doanh nghiệp. Giờ chỉ còn thủ tục cuối cùng là các bộ, ngành, địa phương thống nhất với dự thảo trước khi tiến hành bàn giao.
Trước thực tế tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) thực hiện quá chậm, ngày 5/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện CPH, thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, đảm bảo khả năng thực hiện, nếu thấy khả năng không thực hiện được thì chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn, CPH trong năm nay và năm 2020.
Ông ước tính có bao nhiêu doanh nghiệp khó thoái vốn, CPH sẽ được chuyển giao về SCIC để làm việc này?
Nhiều doanh nghiệp CPH, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; phạm vi hoạt động rộng; phức tạp về tài chính, đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều quy định mới về CPH, thoái vốn mới được ban hành như Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP... theo hướng chặt chẽ hơn, nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước, nên quy trình, thời gian thực hiện kéo dài hơn. Vì thế, chắc ít bộ, ngành, địa phương nào muốn làm, mà sẽ chuyển giao về SCIC.
Chúng tôi ước tính, có khoảng 70 doanh nghiệp thuộc đối tượng này sẽ được chuyển giao. Như vậy, tổng cộng có khoảng 100 doanh nghiệp sẽ được bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC trong thời gian tới.
Chỉ thị 01/CT-TTg ấn định ngày 31/3/2019 là thời điểm cuối cùng để các bộ, ngành, địa phương chuyển giao khoảng 100 doanh nghiệp về SCIC. Thưa ông, từ nay đến 31/3/2019 không còn nhiều, trong khi lại mất 10 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chưa kể thời gian hội hè sau Tết?
Tôi cho rằng, khi ấn định thời điểm bàn giao hơn 100 doanh nghiệp về SCIC cuối cùng là ngày 31/3/2019, các cơ quan tham gia xây dựng Chỉ thị 01/CT-TTg như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… đã tính toán, cân nhắc rất kỹ, trong đó có tính đến cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Đến hết thời điểm 31/3/2019, bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nào chậm bàn giao về SCIC sẽ phải giải trình, kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ. CPH, thoái vốn, chuyển giao doanh nghiệp về SCIC là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.
Đảng đã có Nghị quyết 12-NQ/TW (ngày 3/6/2017) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Quốc hội có Nghị quyết 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ rất quyết tâm, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, nên tôi tin rằng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chậm bàn giao doanh nghiệp về SCIC sẽ bị xử lý.
Nếu xử lý nghiêm, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải “bò ra mà làm”, làm ngày làm đêm, sẽ hoàn thành chuyển giao doanh nghiệp về SCIC trước thời hạn cuối cùng.
Cứ cho là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty “quyết tâm, quyết liệt”, nhưng vấn đề là nhân sự của SCIC có hạn, trong khi khối lượng doanh nghiệp phải tiếp nhận khá lớn, liệu SCIC có đảm bảo việc tiếp nhận không, thưa ông?
Qua 13 năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận hàng trăm doanh nghiệp nên rất có kinh nghiệm trong việc này. Đúng là thời gian để tiếp nhận hơn 100 doanh nghiệp không còn nhiều, vì thế chúng tôi xác định, nếu cần thiết, phải làm việc cả ngày nghỉ, tự nguyện rút ngắn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để tiếp nhận doanh nghiệp.
Ví dụ, ngày 26/12/2018, thời điểm sát Tết Dương lịch 2019, mặc dù còn rất nhiều việc phải hoàn thành trước thời điểm 31/12/2018, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức tiếp nhận Tổng công ty cổ phần Licogi từ Bộ Xây dựng. Licogi là một tổng công ty lớn, vốn nhà nước tại Licogi khá lớn (hơn 366 tỷ đồng, chiếm 40,72% vốn điều lệ), có nhiều thành viên, nhưng việc tiếp nhận vốn vẫn đảm bảo đúng quy định.
Tinh thần của chúng tôi là bất cứ khi nào, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cũ tại doanh nghiệp chuyển giao vốn thì chúng tôi tiếp nhận ngay, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tiếp nhận toàn bộ doanh nghiệp đúng tiến độ theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi cũng muốn nói thêm là, năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận 14 doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương, nhưng số vốn tiếp nhận lên tới 4.055 tỷ đồng, gấp nhiều lần các năm trước. Trong số những doanh nghiệp tiếp nhận, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, ngoài Licogi còn có Seaprodex (Tổng công ty Thủy sản Việt Nam), Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam)…
Với kinh nghiệm tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp quy mô lớn, thậm chí quy mô cỡ tập đoàn kinh tế như Vinatex, thì việc tiếp nhận hơn 100 doanh nghiệp từ nay đến ngày 31/3/2019 không có vấn đề gì, vì tuyệt đại đa số doanh nghiệp trong số này có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Vinatex, Licogi, Seaprodex.