Băn khoăn khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Với quan điểm đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về thông tin, quảng cáo thuốc.
Theo đó, Dự thảo bãi bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện quảng cáo thuốc và giao Chính phủ quy định chi tiết cách ghi, yêu cầu đối với nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc.
Sự thay đổi này được đánh giá là phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, song cũng có ý kiến băn khoăn.
Thực tế cho thấy, việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng giá trị, công dụng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp cả trước mắt và lâu dài tới sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần của người dân, nhất là người sử dụng thuốc. Do đó, với mục tiêu đặt lợi ích của người dân lên trên hết và trước hết trong quản lý kinh doanh thuốc, có ý kiến đề nghị, không chuyển hoàn toàn việc quản lý thông tin thuốc, quảng cáo thuốc sang cơ chế hậu kiểm.
Để có đủ lý lẽ thuyết phục về việc bãi bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện quảng cáo thuốc, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có báo cáo cụ thể việc thực hiện quy định về thông tin thuốc, quảng cáo thuốc, trong đó làm rõ công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, cần đánh giá tác động cũng như tính kịp thời xử lý sai phạm khi bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc và thay bằng hậu kiểm.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, với những ảnh hưởng quan trọng của thuốc với sức khỏe nhân dân và thực tiễn hoạt động quảng cáo còn nhiều bất cập, làm người dân hiểu sai về tác dụng của thuốc, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội không đồng ý với việc chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế hậu kiểm.
Làm rõ nguyên nhân, bà Thúy Anh cho biết, công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động này chưa được triển khai thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Do đó, đề nghị tiếp tục áp dụng đồng thời cả tiền kiểm và hậu kiểm; bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.
Một số chuyên gia khác cũng đồng tình cho rằng, quản lý quảng cáo giá thuốc là vấn đề rất lớn và rất khó. Quy định của luật hiện hành là tiền kiểm mà còn khó quản lý, vẫn còn tình trạng lọt những quảng cáo không đúng sự thật, “thổi phồng” công dụng của thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu chuyển sang hậu kiểm mà không có giải pháp để bảo đảm quản lý chặt chẽ vấn đề này thì rất khó, nhưng nếu không đổi mới thì cũng dẫn đến quá tải. Theo đó, để làm rõ và có giải pháp, cần tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để có phương án quản lý cho phù hợp.
Quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá
Với cơ chế thị trường, cơ quan quản lý nhà nước phải tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thuốc có tính chất đặc thù so với các loại hàng hóa khác, nên cũng sẽ có quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá. ThS. Lê Xuân Hoành, Trưởng phòng Phòng Quản lý giá (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Luật Dược đã sửa đổi, bổ sung một số điều để quy định rõ trách nhiệm quản lý giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về kê khai giá thuốc.
Theo ông Hoành, việc sửa đổi quy định về kê khai giá thuốc nêu trên bảo đảm kế thừa quy định hiện hành về việc kê khai giá bán buôn dự kiến để kiểm soát giá bán và hạn chế việc bán lòng vòng qua các khâu trung gian, đẩy giá lên cao. Mặt khác, bảo đảm đúng quy định về kê khai tại Luật Giá, kê khai giá bán cho tất cả các thuốc (bao gồm cả kê khai giá bán buôn, bán lẻ), qua đó, cơ quan quản lý nhà nước về giá có thông tin về giá để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, bình ổn giá.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 109 theo hướng đề xuất, phối hợp các bộ, ngành liên quan về việc trình Chính phủ ban hành danh mục thuốc, nhóm thuốc thực hiện kê khai giá bán buôn dự kiến và ban hành nguyên tắc công bố giá thuốc bán buôn dự kiến do các đơn vị kê khai.
Bên cạnh đó, quy định thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc đối với thuốc thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định của Luật Giá; đàm phán giá đối với các gói thầu mua thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định tại Luật Đấu thầu.
Liên quan trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện quy định về kê khai giá thuốc, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 114 theo hướng quy định: cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thực hiện kê khai giá bán buôn dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai theo quy định tại luật này. Cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thực hiện kê khai giá bán sau khi quyết định giá theo quy định tại Luật Giá. Giá bán buôn do cơ sở bán buôn kê khai không được cao hơn giá bán buôn dự kiến do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất đã kê khai và được Bộ Y tế công bố.