- Doanh nghiệp, ngân hàng ngoại muốn NHNN bỏ room tín dụng, trần lãi suất huy động USD
- Sáng 6/3: Lãi suất huy động đồng loạt giảm 0,2-0,5%/năm, lãi suất cho vay cần thêm độ trễ
- Loạt ngân hàng đã được cấp room tín dụng, lãi suất huy động sẽ bị “ép” giảm thêm?
- Ngân hàng rầm rộ hạ lãi suất huy động, big 4 lên kế hoạch giảm lãi vay
Nhiều ngân hàng duy trì lãi suất huy động cao ngất ngưởng
Tính đến giữa tuần này, thêm một loạt ngân hàng TMCP công bố giảm thêm lãi suất huy động. Nhìn vào biểu lãi suất niêm yết của các ngân hàng, tưởng chừng lãi suất đã hạ nhiệt. Theo đó, ở kỳ hạn 6 - 12 tháng, lãi suất niêm yết cao nhất thuộc về ABBank, GPBank với 8,2 - 8,3%/năm. Lãi suất cao nhất thị trường ở kỳ hạn 36 tháng thuộc về ABBank với lãi suất 8,5%/năm.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư vào ngày 14/6, mặt bằng lãi suất đang bị phân hóa mạnh mẽ. Trong khi các ngân hàng lớn (big 4) giảm mạnh lãi suất huy động, đi kèm là giảm lãi suất cho vay, thì khối ngân hàng TMCP tư nhân dè dặt hơn trong giảm lãi vay. Đồng thời, một loạt ngân hàng vẫn đang áp dụng lãi suất cao để huy động vốn.
Hiện tại, nhiều ngân hàng TMCP đang áp dụng lãi suất “ưu tiên” cao hơn 1-1,5% so với lãi suất niêm yết. Theo đó, chỉ với khoản tiền từ 300 - 500 triệu đồng trở lên, người gửi đã có thể thỏa thuận với ngân hàng các mức lãi suất hấp dẫn.
Mức lãi suất huy động phổ biến được nhiều ngân hàng mời chào dành riêng cho khách hàng ưu tiên là 8,7 - 9,5%/năm, tùy mức tiền gửi và kỳ hạn gửi. Các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn có thể kể tới như VietABank, KienLongBank, ABBank, SHB, HDBank… Thậm chí, nhân viên ngân hàng H. còn mời chào lãi suất huy động trên 10%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi hàng chục tỷ đồng. Được biết, tập đoàn lớn đứng sau ngân hàng này đang đứng trước áp lực đáo hạn trái phiếu hàng chục ngàn tỷ đồng.
Với giá vốn huy động như trên, rõ ràng rất khó để các ngân hàng có thể giảm nhanh và đại trà mặt bằng lãi suất cho vay trong vòng nửa năm tới, chưa kể số vốn huy động lãi suất cao cuối năm 2022 còn chưa “tiêu thụ” hết.
Theo các chuyên gia, sở dĩ mặt bằng lãi suất huy động có sự phân hóa mạnh là do các ngân hàng thương mại quốc doanh có nhiều lợi thế: uy tín, thương hiệu, tiền gửi giá rẻ từ ngân sách. Bên cạnh đó, tín dụng tăng chậm, nợ xấu kiểm soát tốt, không cho vay nhiều lĩnh vực rủi ro… khiến các ngân hàng này không gặp áp lực về vốn.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân bị hao hụt lượng lớn vốn huy động khi sự cố SCB xảy ra vẫn chưa bù đắp được, cộng thêm áp lực về trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu… nên nhu cầu vốn vẫn rất lớn, buộc phải duy trì lãi suất huy động ở mức cao.
Chính sách tiền tệ không thể “vỗ một bàn tay”
Với tín hiệu của nền kinh tế Mỹ, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng lộ trình tăng lãi suất. Đây là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giảm thêm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, với khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, giảm lãi suất không phải là chìa khóa để giải quyết khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP OCB cho rằng, không thể chỉ bằng một chính sách đơn lẻ mà doanh nghiệp có thể thoát khỏi khó khăn. Giảm lãi suất có hiệu ứng tích cực tới nền kinh tế, song cần thêm nhiều chính sách đồng bộ khác. “Trong mỗi quốc gia, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải luôn có sự song hành, giống như cả hai bàn tay cùng vỗ”, ông Tùng nói.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vẫn còn, thậm chí có thể giảm về mức 4% vào năm 2025. Tuy nhiên, giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu, đầu ra không có như hiện nay. Theo chuyên gia này, các chính sách tài khóa, hỗ trợ an sinh phải vào cuộc đồng bộ với chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) thì mới có thể kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, giúp doanh nghiệp thoát khó khăn.
Ngoài khó khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh, sự khó khăn, bế tắc của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ hiệu quả cũng là nguyên nhân gây nên điểm nghẽn dòng tiền. Chỉ khi tất cả các mối rối này được gỡ, dòng tiền mới có thể luân chuyển, tín dụng mới có thể lưu thông.
Đương nhiên, giảm lãi suất vẫn là biện pháp vô cùng quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu - hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới - thì việc kéo giảm thêm lãi suất cho vay về mức hợp lý (khoảng 8 - 9%/năm) sẽ làm giảm áp lực nợ vay cho doanh nghiệp, kích thích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa. Muốn giảm lãi suất, giải pháp khả thi nhất hiện nay là giảm lãi suất điều hành và tăng cung tiền. Đây là điều NHNN nên cân nhắc, tính toán để có giải pháp ngay trong 6 tháng cuối năm.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tính tới cuối tháng 3/2023 đạt 6,28 triệu tỷ đồng, tăng 7,08% so với cuối năm 2022. Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đang ở mức cao nhất nhiều năm qua (cao hơn cả trăm lần cùng kỳ năm 2022). Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp giảm mạnh. Tính tới cuối tháng 3/2023, tiền gửi của khách hàng tổ chức giảm khoảng 5% so với cuối năm ngoái. Lãi suất huy động dâng cao từ cuối năm ngoái đến nay cộng với tình hình kinh doanh khó khăn khiến các doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền là nguyên nhân khiến tiền gửi dân cư vào ngân hàng tăng mạnh, trong khi tiền gửi doanh nghiệp suy giảm.
Tính chung toàn hệ thống, tại thời điểm cuối tháng 3, tiền gửi vào ngân hàng đạt mức hơn 11,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 148.000 tỷ đồng so với tháng 2, tương đương mức tăng gần 1,3%.