Sau vòng gọi vốn 300 triệu USD, Kry được định giá tới 2 tỷ USD. Ảnh: Techcrunch.com |
Startup y tế Kry của Thụy Điển hôm 27/4 cho biết, dẫn đầu dòng vốn 300 triệu USD vào công ty là hai quỹ đầu tư CPP Investments và Fidelity từ Canada. Sau vòng gọi vốn mega (vòng vốn từ 100 triệu USD trở lên), giá trị thị trường của startup 7 năm tuổi này tăng lên tới 2 tỷ USD, gấp 3 lần mức định giá trong ở vòng gọi vốn năm 2020. Ba nhà đầu tư lớn của Kry, gồm: Ontario Teachers' Pension Plan, Index Ventures, và Accel, đều ủng hộ vòng gọi vốn mới đây của startup này.
Ông Johannes Schildt, nhà đồng sáng lập, kiêm CEO của Kry cho biết công ty này đã cho ra mắt một số sản phẩm mới miễn phí và thiết lập hạ tầng để xét nghiệm Covid-19 nhằm hỗ trợ những nỗ lực chống dịch. Theo lý giải của Kry, công ty này chưa ghi nhận lợi nhuận bởi họ đang ưu tiên thực hiện mục tiêu phát triển nhiều hơn kiếm tiền trong ngắn hạn.
"Vì chúng tôi đã có thị phần, điều này có lợi cho chúng tôi khi tiếp tục đầu tư mạnh vào phát triển sản phẩm và vận hành", CEO của Kry cho biết. "Chúng tôi kiếm tiền từ cả phần mềm và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, nhưng hiện tại chúng tôi đang tiếp tục đầu tư. Và đó là lý do tại sao chúng tôi gọi vốn bởi việc tiếp tục đầu tư vào các công cụ và công nghệ là rất quan trọng đối", ông Johannes Schildt nói thêm.
Kry hiện là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đặt lịch hẹn bác sĩ trực tuyến lớn nhất châu Âu. Công ty hoạt động dưới tên Kry ở Thụy Điển, Na Uy, và Đức; còn tại thị trường Anh và Pháp, công ty mang thương hiệu Livi. Startup này cũng đã mở rộng mạng lưới sang Mỹ vào năm ngoái với sự ra mắt nền tảng tư vấn y tế qua video miễn phí mang tên Livi Connect, dù CEO Johannes Schildt cho biết công ty này vẫn chủ yếu tập trung vào thị trường châu Âu.
Kry là một trong số các công ty khởi nghiệp công nghệ hưởng lợi thời Covid-19 khi nhu cầu sử dụng các ứng dụng y tế số tăng vọt, bởi việc tương tác trực tiếp giữa bác sĩ và người bệnh trở nên kém khả thi trong thời dịch.
Thị trường dịch vụ y tế số tại châu Âu trở nên sôi động thời Covid-19. Tuần trước, Công ty bảo hiểm y tế trực tuyến Alan (Pháp) thông báo đã huy động được 185 triệu euro (tương đương 223,5 triệu USD) cùng với mức định giá doanh nghiệp lên tới 1,4 tỷ euro. Trong khi đó, Babylon Health, đối thủ của Kry có trụ sở tại Anh, được cho là đang tìm kiếm một thỏa thuận niêm yết cổ phiếu thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt, hoặc qua mô hình SPAC.
Kry và những nhà đầu tư của họ đã đặt cược sự tăng tốc của ngành công nghệ y tế từ năm ngoái với đánh giá rằng đây là một "xu hướng lớn" có khả năng tồn tại lâu dài, kể cả sau khi đại dịch kết thúc. Kry đến nay đã hỗ trợ thực hiện hơn 3 triệu cuộc tư vấn y tế qua video kể từ khi ứng dụng này ra mắt vào đầu năm 2015. Trong năm 2020, lượng người sử dụng các cuộc hẹn bác sĩ qua video tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Johannes Schildt, CEO của Kry cho rằng, tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế một cách thuận tiện và nhanh chóng là nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người, bất kể họ giàu hay nghèo, họ sống ở Thụy Điển hay Việt Nam.
"Tiềm năng phát triển các dịch vụ y tế số còn lớn hơn ở một số nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Nếu thiếu cơ sở hạ tầng y tế, các giải pháp dịch vụ y tế số sẽ giúp các nước đạt bước tiến nhất định trong cung cấp dịch vụ y tế cho bệnh nhân, theo cách thuận tiện hơn nhiều. Điều này sẽ vừa làm hài lòng bệnh nhân, vừa tiết kiệm được nguồn lực công", ông Johannes Schildt nói.
CEO này đánh giá, Việt Nam có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, cho nên chất lượng của các cuộc gọi video sẽ đủ tốt để bác sĩ tư vấn. Hơn nữa, với tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao, việc sử dụng các dịch vụ y tế số trên di động càng thuận tiện hơn. Tuy nhiên, điều quyết định thành công là làm sao nâng cao nhận thức của cả bệnh nhân và bác sĩ về những lợi ích từ việc sử dụng các công cụ trực tuyến để tiếp đón và khám chữa bệnh.