Gabi Zuniga, hơn 50 tuổi là kiến trúc sư trưởng (Principal Architect) của Got It tại Silicon Valley “thần thánh”. Từng làm cho IBM Watson, ông quyết định đầu quân về Got It khoảng 3 năm nay và thường xuyên đi lại giữa Mỹ và Việt Nam để làm việc với team của Got It ở Việt Nam.
Trong lần đáp chuyến gần đây, ông khá bất ngờ khi thấy một cậu bé đi lại trong văn phòng của Got It Việt Nam. Ông muốn hỏi chuyện và nhiều điều bất ngờ đến với ông!
Cậu bé đó chính là Tuấn Anh, 13 tuổi. Năm ngoái cậu trở thành thực tập sinh kỹ thuật phần mềm nhỏ tuổi nhất tại Got It. Ngày đầu tiên đi làm cậu vừa tốt nghiệp lớp 6. Sau hơn 3 tháng, Tuấn Anh đã hoàn thành quá suất sắc khóa học dành cho sinh viên Đại học, sau đó làm xe tự lái.
“Mẹ tôi biết tôi quan tâm đến lập trình và bắt đầu tìm bất cứ cái gì liên quan đến nó để tôi có thể làm trực tuyến và tình cờ biết Got It. Mẹ tôi đã hỏi bạn bè của mình cách Got It làm việc và đã xin cho tôi được phỏng vấn và được thực tập tại đây”, Tuấn Anh kể với Gabi Zuniga.
Tuấn Anh và Gabi Zuniga, Trần Việt Hùng và người thầy dạy của mình khi hoàn thành làm xe tự lái |
Trước khi đến với Got It, Tuấn Anh đã biết đến việc thiết kế web như HTML, CSS và một số JavaScript. Riêng ở Got It cậu đã học được nhiều hơn về ngôn ngữ lập trình Python và đã hoành thành một khoá học sử dụng giáo trình dành cho bậc Đại học ở Mỹ, ngoài ra cậu cũng được học một chút về trí tuệ nhân tạo và ứng dụng luôn vào làm một dự án khó nhưng theo phong cách vừa học vừa chơi là làm một chiếc xe tự lái mini.
Ngoài chuyên môn về công nghệ ra, cậu tập trung nhiều vào học tốt tiếng Anh và kỹ năng mềm để làm việc và giao tiếp với các đồng nghiệp từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Đặc biệt, cậu học để có tương lai vững chắc chứ không để đi thi lấy giải hoặc để mẹ khoe là thần đồng.
“Cậu bé này thật là tuyệt vời!” Gabi Zuniga thốt lên ngạc nhiên khi nghe Tuấn Anh kể về quá trình học và làm chiếc xe tự lái bằng phần mềm do cậu viết với sự hướng dẫn của các kỹ sư tại Got It.
Trong khi đó, chị Nhâm Thị Bích Thu, mẹ của Nguyễn Minh Hoàng hiện mới tham gia chương trình của STEAM for Vietnam một vài buổi học thử nghiệm. Chị từng làm một nhân viên văn phòng còn chồng mình làm kỹ sư tại một công ty sản xuất thép. Là người theo tư tưởng giáo dục sớm cho con nên hay mày mò các chương trình để dạy con.
1 năm trước khi con chị đang học lớp 3 chị đã tìm hiểu và mua cho con 2 quyển sách học lập trình Scratch và Python.
“Cháu có sở thích đọc sách từ bé. Cháu rất hứng thú và tự đọc sách rồi làm theo hướng dẫn trong đó”, chị kể và rất vui vì bản thân cũng mong muốn con được trang bị các kiến thức nền tảng từ sớm đáp ứng yêu cầu lao động thời công nghệ. Tuy nhiên, chị chưa có điều kiện cho con học bài bản theo trường lớp.
Biết tới STEAM for Vietnam chị thấy mình vừa có duyên vừa như bắt được vàng. Bởi chị muốn dạy học cho con mà bản thân không có kiến thức, cũng chưa có điều kiện cho con đi học ngoài. Nay con chị lại được tiếp cận kiến thức một cách bài bản từ những tình nguyện viên ưu tú ở khắp nơi trên thế giới.
Trong khi đó, Hoàng ngay khi được mẹ thông báo có một chương trình như thế, cậu rất hào hứng và liên tục hỏi mẹ bao giờ thì con được học.
Là một người mẹ, chị hiểu được tầm quan trọng của tri thức đối với sự phát triển của con mình trong tương lai. Chị luôn mong có thể đồng hành và giúp con có nền tảng kiến thức để phát triển bản thân sau này và thích ứng được những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong tương lai.
“Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự phát triển của khoa học, công nghệ nếu chúng ta không có sự thay đổi về tư duy thì rất khó để mỗi cá nhân có thể phát triển và cạnh tranh được trong bối cảnh mới. Tôi luôn mong muốn được cho con tiếp cận các nguồn kiến thức mới, giúp con có thể dễ dàng hòa nhập với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của xã hội. Tuy nhiên việc tiếp cận thế nào lại tùy thuộc mỗi bé, phụ huynh nên hiểu rõ để có thể đồng hành cùng con hiệu quả hơn”, chị Thu chia sẻ.
Chứng kiến sự chuyển biến đó, Tiến sỹ Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It, đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam tại Hoa kỳ cùng với các đồng sáng lập Nguyễn Phương Thuỷ và Phan Zymaris Mai. Cùng các cộng sự của mình là những người Việt trẻ ở khắp nơi trên thế giới, anh muốn nhân rộng khả năng đào tạo cho nhiều em nhỏ và đáp ứng nguyện vọng của các bậc phụ huynh.
STEAM for Vietnam ra đời với kỳ vọng có thể đóng góp một phần vào việc hỗ trợ thế hệ trẻ của Việt Nam thông qua giáo dục STEAM để các em có khả năng cạnh tranh toàn cầu trong tương lai.
"Biết bao nhiêu ngôn ngữ lập trình không quan trọng mà quan trọng nhất là hướng tiếp cận bài bản để xây dựng một nền tảng vững chắc thì mới có thể tiến xa được" - Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập Got It và tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam Foundation |
“Việt Nam rất thiếu lứa kỹ sư giỏi. Các trường đại học, cơ sở đào tạo không xây dựng các thức đào tạo đặc biệt sẽ bỏ lỡ lứa kỹ sư giỏi như thế”, Trần Việt Hùng nói và cho rằng không nhanh sẽ mất cơ hội, STEAM for Vietnam sẽ làm theo cách của mình là thay đổi từ mỗi cá nhân, bắt đầu tư với tư duy giản đơn nhất.
Trại hè Lập trình miễn phí cho các em nhỏ trong độ tuổi từ 8 đến 16 và những ai lần đầu tiên học lập trình trong thời gian 1,5 tháng đã được khởi động nhờ sự rốt ráo của các tình nguyện viên. Trong đó, có các tình nguyện viên người Việt Nam rất thành công và giàu kinh nghiệm đang làm việc trong ngành công nghệ ở khắp nơi trên thế giới.
Đó là anh Nguyễn Song Hà, kỹ sư phần mềm tại Code.org, anh Ngô Minh Đức, kỹ sư phần mềm tại Google, anh Lương Thế Vinh, nhà khoa học chuyên về Trí tuệ nhân tạo và Deep Learning tại Arimo, chị Hoàng Phương Nga (Đại học Colorado ở thành phố Boulder), chị Trần Cảnh Lâm Hà (Đại học Chicago).
Do nhu cầu và sự quan tâm rất cao của các bậc phụ huynh về việc học lập trình, cũng như tầm quan trọng của việc tiếp xúc với khoa học công nghệ từ sớm, chỉ sau một tuần mở đơn, trại hè lập trình đã nhận được hơn 6.000 đơn đăng ký theo học từ 62 tỉnh thành phố của Việt Nam và 42 quốc gia trên toàn thế giới.
Chương trình học được thiết kế với nguyên tắc “Ai cũng có thể học lập trình” không phân biệt giới tính và khả năng, không phân biệt vùng miền và khả năng tài chính. Trại hè Lập trình hoàn toàn miễn phí, các em học sinh chỉ cần một máy tính có kết nối mạng là có thể tham gia chương trình.
Với những gì các chuyên gia lập trình tình nguyện của STEAM for Vietnam đã đang và sẽ thể hiện sẽ biến việc học lập trình không phải là những dòng code chán nản trên màn hình, mà là cuộc sống, là tư duy, là khả năng lãnh đạo của mình với mọi thứ. Cuối cùng, học lập trình như nhiều chuyên gia công nghệ nói cũng là cách để lập trình lại cuộc sống của mình cho nó… hợp lý hơn nhiều!