Người dân ngày càng quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, làm tăng sức hấp dẫn của thị trường y dược Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư. |
Tìm vị thế chiến lược ở Việt Nam
Từ đầu năm 2023, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành y tế - dược phẩm tại Việt Nam trở nên sôi động hơn, với sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trên thế giới và các thương vụ trị giá tới hàng trăm triệu USD.
Thị trường y dược Việt Nam từng được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, theo một báo cáo phân tích từ năm 2018 của IMS Health - đơn vị hàng đầu Hoa Kỳ, chuyên cung cấp thông tin, dịch vụ, công nghệ cho ngành y. Đây có lẽ cũng là lý do thị trường M&A ngành y tế - dược phẩm tại Việt Nam những năm gần đây luôn rất sôi động, ghi nhận các thương vụ mua bán đình đám, giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Năm 2023, M&A ngành y dược tiếp tục nóng bỏng. Vào tháng 3/2023, phân tích từ PwC - tên tuổi trong nhóm “Big 4” kiểm toán - cho thấy, y dược và chăm sóc sức khỏe sẽ nằm trong số ít các lĩnh vực dẫn đầu về M&A trong năm. Với những lợi thế rõ ràng như sự tăng trưởng quy mô của tầng lớp trung lưu, áp lực già hóa dân số, những thách thức dành cho hệ thống dịch vụ công và nhu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe…, ngành y dược Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng rất lớn, đặc biệt thu hút sự quan tâm của những tên tuổi hàng đầu nước ngoài.
Nhận định trên đang trở thành sự thật, khi những tập đoàn hùng mạnh trên thế giới tiến vào thị trường màu mỡ và giàu tiềm năng này.
Thompson Medical Group là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em ở Singapore, được ví như một “gã khổng lồ” trong ngành với sự chống lưng của “ông trùm” Peter Lim.
Đầu tháng 6/2023, thị trường M&A ngành y dược dậy sóng trước thông tin Thompson Medical Group muốn đàm phán mua lại cổ phần Bệnh viện FV của Việt Nam.
Thương vụ ngã ngũ vào tháng 7/2023, khi Thompson Medical Group chính thức thông báo chấp thuận mua lại cổ phần kiểm soát tại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD. Theo đó, Thompson Medical Group sẽ trả trước khoảng 359,6 triệu USD và trả thêm 21,8 triệu USD nếu Bệnh viện FV đáp ứng một vài tiêu chí về thành tích.
“Bệnh viện FV giúp chúng tôi có vị thế chiến lược ở Việt Nam. Đây cũng là cánh cổng dẫn tới tăng trưởng và tập trung vào các khoản đầu tư tương lai ở thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng này”, ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành Thomson Medical Group chia sẻ trong công bố.
Quadria Capital, công ty vốn cổ phần tư nhân (PE) chuyên tập trung vào lĩnh vực y tế, là đơn vị chuyển nhượng số cổ phần này cho Thompson Medical Group, tạo nên thương vụ M&A có giá cao kỷ lục trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Được biết, Quadria Capital đã mua cổ phần ở Bệnh viện FV trong năm 2017, giá trị của thương vụ không được tiết lộ. Tại thời điểm đó, Neuberger Berman Private Equity và DEG - tổ chức tài chính phát triển của Đức - cũng tham gia mua cổ phần ở Bệnh viện FV.
Bệnh viện FV được thành lập bởi ông Guillon và một nhóm bác sĩ người Pháp tại TP.HCM cách đây 2 thập kỷ. Họ vận hành một bệnh viện gồm 220 giường bệnh với 950 nhân viên phục vụ và điều hành một phòng khám ngoại trú tại TP.HCM. Ngoài người dân Việt Nam, Bệnh viện FV cũng điều trị cho bệnh nhân từ các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar.
Tiếp theo thương vụ “khủng” giữa Thompson Medical Group và Bệnh viện FV, tới đầu tháng 8/2023,
Dongwha Pharm - tập đoàn dược phẩm từ Hàn Quốc - cũng khiến thị trường “bùng cháy” bằng thỏa thuận mua lại 51% cổ phần tại Trung Sơn Pharma - một trong những chuỗi dược phẩm nổi tiếng tại Việt Nam, với mục tiêu đa dạng các mảng vận hành của Dongwha thông qua đầu tư. Giá trị thương vụ khoảng hơn 39 tỷ won (khoảng 30 triệu USD, tương đương hơn 710 tỷ đồng).
Từ lâu, Dongwha đã không giấu ý định thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam với nhiều sản phẩm do Hãng phân phối. Chứng kiến nhu cầu ngày một gia tăng về các loại vitamin, hồng sâm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc tại Việt Nam, Dongwha có kế hoạch thúc đẩy doanh thu cho các sản phẩm này.
Thương vụ mua lại Trung Sơn là một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường thuốc và chăm sóc sắc đẹp tại Đông Nam Á của tên tuổi này
Về Trung Sơn Pharma, thương hiệu được thành lập từ năm 1997 bởi vợ chồng bác sĩ Trương Thanh Sơn và dược sĩ Trương Hoàng Thanh Trúc, đang quản lý trên 140 chuỗi cửa hàng tại khu vực phía miền Nam.
Trung Sơn Pharma cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, từ thuốc kê đơn, không kê đơn (OTC), thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, thiết bị y tế, cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Từ năm 2019 đến nay, Công ty tăng trưởng trung bình 46% mỗi năm, năm 2022 đạt doanh thu 13,5 ngàn tỷ đồng.
Đầu tháng 10/2023, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) cũng đạt được thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn Raffles Medical Group (RMG) - nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân của tỷ phú Loo Choon Yong. Theo đó, RMG mua lại cổ phần kiểm soát tại AIH, đồng thời tham gia các hoạt động quản trị, quản lý vận hành. Giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.
Trong thông báo phát đi, RMG khẳng định, việc mở rộng quy mô sẽ thúc đẩy các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của Tập đoàn, giúp mở rộng thị trường và đa dạng hóa nguồn doanh thu.
Tỷ phú Loo Choon Yong thành lập RMG từ năm 1976, bắt nguồn từ 2 phòng khám ở Singapore. Tính đến hết năm 2022, RMG có hơn 100 phòng khám tại châu Á, trong đó có Bệnh viện Raffles nổi tiếng ở Singapore.
Theo danh sách công bố vào đầu tháng 9/2023 của Forbes, tỷ phú Loo Choon Yong xếp thứ 44 trong số 50 người giàu nhất Singapore, với khối tài sản trị giá 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thương vụ Adamed Pharma thâu tóm toàn bộ Davipharm cũng cho thấy “sức nóng” của ngành dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe. Vốn là công ty mẹ của Davipharm (Công ty cổ phần Dược phẩm Đạt Vi Phú) sau khi mua tới 70% cổ phần tại doanh nghiệp này vào cuối năm 2017, Adamed Pharma tiếp tục gây chú ý khi công bố mua lại toàn bộ số cổ phần của Davipharm vào cuối tháng 4/2023, chính thức sở hữu 100% và trở thành cổ đông duy nhất của doanh nghiệp này.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng Adamed Pharma cho biết, đây là một trong những thương vụ đầu tư trực tiếp lớn nhất họ từng thực hiện, mang theo kỳ vọng đưa Davipharm thành một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Việt Nam.
Adamed Pharma là cái tên có tiếng trong ngành y dược thế giới. Thành lập vào năm 1986 tại Ba Lan, Adamed Pharma hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học. Tính đến cuối năm 2022, Tập đoàn có hơn 2.500 nhân viên, sở hữu 2 nhà máy sản xuất ở Ba Lan và 1 nhà máy ở Việt Nam, với trên 200 bằng sáng chế ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, Davipharm đang sản xuất hơn 300 sản phẩm thuốc cho bệnh nhân ở Việt Nam, Campuchia, Philippines và Myanmar; sở hữu nhà máy công suất tới 1,2 tỷ viên nén/năm tại Bình Dương.
“Điểm nóng” đầu tư
Theo TS. Lê Minh Phiếu, Giám đốc LMP Lawyers và LMP Capital, bối cảnh kinh tế hiện nay buộc các nhà đầu tư ưu tiên quay trở lại các lĩnh vực then chốt. Trong đó, lĩnh vực y tế, bao gồm bệnh viện, dược phẩm và thiết bị y tế, đang trở thành “điểm nóng” đầu tư nhờ vào sự phát triển kinh tế và mức sống của người dân được nâng cao.
Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đang tăng lên nhanh chóng, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự tăng trưởng này không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, mà còn mở ra cơ hội cho sự phát triển của các dịch vụ y tế tiên tiến và hiện đại, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường IBM, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021 - 2026, quy mô thị trường tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Sức hấp dẫn của các doanh nghiệp nội địa ngành y tế, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe đối với các nhà đầu tư ngoại đến từ việc dư địa tăng trưởng của thị trường này tại Việt Nam còn rất lớn.
Về dài hạn, nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhiều hàng rào bị dỡ bỏ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là dược phẩm của nước ngoài có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, thuốc ngoại sẽ có ưu thế lớn nếu sản xuất trực tiếp tại Việt Nam khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ và thời gian bảo hộ sản phẩm thuốc độc quyền tăng lên. Chính những điều này sẽ tạo ra một làn sóng M&A mạnh mẽ hơn nữa với ngành y tế, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).
Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.
Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp, nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.
Một điểm nhấn khác là khách tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.
Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55