(baodautu.vn) Đã có rất nhiều nghiên cứu, đánh giá, thậm chí là tranh luận về diễn biến, cũng như thực trạng kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua và trong thời điểm hiện tại. Với những gì đã và đang xảy ra trong nền kinh tế, nhất là trong các xu hướng lớn và vấn đề nền tảng, hầu như không còn sự khác biệt về nhận định liên quan đến mức độ khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và những nguyên nhân cơ bản của nó. Nhưng khác với các diễn đàn trước đó, chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được bàn tới trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã kéo dài thêm một năm và nền kinh tế mới vào đường băng không lâu sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đang mất dần động lực cất cánh.
| ||
Ảnh minh họa: Internet |
Những nguyên nhân cơ bản là những yếu kém và lạc hậu của cơ cấu kinh tế và thể chế hiện hành về phân bố nguồn lực tiếp tục làm trầm trọng thêm những yếu kém cũ của nền kinh tế. Cũng đã xuất hiện không ít lo ngại về khả năng suy giảm kinh tế.
Trong hai năm trở lại đây, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã không còn là công việc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, mà còn của hầu như tất cả các nhóm và tầng lớp dân cư trong xã hội. Chính vì vậy, cả xã hội đặt kỳ vọng vào những chuyển động thực chất của nền kinh tế khi hàng loạt các chính sách quan trọng liên quan đến vấn đề này.
Có thể kể tới mới đây là Nghị quyết 01/2013/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trước đó là Quyết định 704/2012/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện quản trị doanh nghiệp theo thông lệ thị trường; Quyết định 9292012/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là Quyết định 339/2013/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020…
Tuy nhiên, nhìn lại, hầu hết các công việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn mới ở giai đoạn đầu, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng chưa được thực hiện rốt ráo và rõ ràng. Tỷ lệ nợ xấu theo thông báo chính thức đã giảm từ gần 9% tổng dư nợ xuống còn 6% vào đầu tháng 3/2013, song câu hỏi tại sao và bằng cách nào vẫn đang được chính các chuyên gia kinh tế đặt ra. Tăng trưởng tín dụng quý I/2013 mới ở mức 0,03%, chứng tỏ vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể trong giải thoát cho ngân hàng và doanh nghiệp khỏi “mối quan hệ tín dụng hiện có”...
Với cách nhìn đó, giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ là những tính toán ngắn hạn hàng năm, mà phải đổi mới căn bản hệ thống động lực khuyến khích huy động và phân bố nguồn lực để nguồn lực được phân bố và sử dụng có hiệu quả hơn, tạo ra lợi nhuận và giá trị gia tăng ngày càng cao. Chính hệ thống động lực khuyến khích mới này mới chấm dứt được tâm lý chần chừ, do dự, níu kéo trong một số các cơ quan quản lý nhà nước và một bộ phận lớn doanh nghiệp.
Nền kinh tế hiện nay như một chiếc xe trên ngã ba đường. Thẳng tiến là gặp trở ngại, rẽ là sang xa lộ mới. Nhưng để sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường gập ghềnh, khúc khuỷu, đòi hỏi cả người lái và từng hành khách trên xe phải đồng lòng, chung tay vượt dốc.
Bảo Duy