Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham gia Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức Fs, để xác định mức đóng góp hỗ trợ tái chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) ngày 28/7 tại TP.HCM. |
Tại sao doanh nghiệp kêu định mức chi phí tái chế (Fs) cao
Không có doanh nghiệp nào phản đối việc phải tái chế bao bì, sản phẩm để tận dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhấn mạnh điều này khi tham gia góp ý dự thảo mới về Fs đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến.
Dù vậy, theo khảo sát của VBA, với các hội viên, có tới 80% doanh nghiệp cho biết có nhiều khó khăn trong thực hiện.
“Lo ngại nhất vẫn là chi phí Fs đang bị tính quá cao”, bà Vân Anh chia sẻ và lý giải bằng những ví dụ rất cụ thể. Ví dụ, so với Fs trung bình của 14 nước Tây Âu, vốn có chi phí rất đắt đỏ, theo Dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Fs của nhôm cao gấp 1,26 lần và của chai thủy tinh cao gấp 2,12 lần. Fs của bao bì sắt, giấy carton, chai PET cũng rất cao, không phù hợp với thực tế.
"Với chi phí nhân công của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Tây Âu, thì chi phí tái chế thực tế của Việt Nam đáng lẽ chỉ bằng 1/3 chi phí tái chế của Tây Âu", bà Vân Anh nhận định.
Cũng phải thẳng thắn, Dự thảo đã có những thay đổi theo hướng gần hơn với các đề xuất của doanh nghiệp. VBA đã có tính toàn để thấy những thay đổi này. Cụ thể, với bao bì là giấy, ước tính sử dụng khoảng 6 triệu tấn mỗi năm, trong đó 75% bao bì carton, 25% giấy hỗn hợp thì mức phí EPR theo Dự thảo công bố hồi tháng 4/2023 là 4.908 tỷ đồng, trong khi với Dự thảo mới đưa ra ngày 26/7, con số là 3.217 tỷ đồng.
Điều VBA và nhiều hiệp hội muốn làm rõ khi góp ý và Dự thảo, là trong thực tế, bao bì carton được thu mua và tái chế hết ngay vì hoạt động tái chế rất có lãi, ngay cả khi chưa có phí EPR. Với thực tế này, VBA cho rằng, chỉ cần tính phí EPR cho giấy hỗn hợp, nghĩa là còn 1.473 tỷ đồng, theo đúng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn...
Đây cũng là vấn đề mà ông James Ollen, Gíam đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ với báo chí, ông phân tích, Dự thảo định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (gọi tắt là Fs) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến cao bất hợp lý khi so sánh với mức này ở nhiều quốc gia.
“Có một nguyên nhân chính vì chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, nghĩa là chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được”, ông James Ollen lý giải.
Giám đốc điều hành Amcham dẫn chiếu Báo cáo Nghiên cứu Môi trường ngày 28/10/2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, nêu rõ “Cần thiết kế các chương trình điều chỉnh phí sao cho đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ chi phí hoạt động”. Tức là, nếu chi phí tái chế cao hơn giá trị vật liệu thu hồi được, nhà tái chế bị lỗ thì nhà sản xuất cần đóng phí EPR để bù đắp chi phí cho nhà tái chế. Nhưng nếu nhà tái chế đã có lãi, thì nhà sản xuất không cần đóng phí để hỗ trợ họ. Tuy nhiên, giá trị Fs trong dự thảo lại chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.
Trong khi đó, với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi được lớn hơn chi phí tái chế như bao bì nhôm, sắt, giấy carton, bao bì nhựa cứng… thì thực tiễn thu gom và tái chế ở Việt Nam hiện nay cho thấy các nhà tái chế chính thức đều có lãi. Đây chính là động cơ để hoạt động thu gom và tái chế các loại bao bì, sản phẩm này, nên chúng hầu như không có nguy cơ tới môi trường.
“Việc các doanh nghiệp và 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam, vốn đang rất khó khăn, phải đóng góp để hỗ trợ thêm cho nhà tái chế đang có lãi tăng thêm lợi nhuận, theo chúng tôi, là không hợp lý”, Giám đốc điều hành Amcham chia sẻ quan điểm.
Liên quan đến nội dung này, một số hiệp hội doanh nghiệp cũng nhắc đến việc dự thảo chỉ tính là giá trị trung bình của 2 nghiên cứu có đề xuất Fs cao (của nhóm CGTV và Hiệp hội Tái chế), trong khi bỏ qua 2 nghiên cứu khác có đề xuất Fs thấp hơn của Đại học Kinh tế Quốc dân và của Liên minh Tái chế Việt Nam (PRO).
Đây là lý do nhiều hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến góp ý vào dự thảo Fs, đề nghị áp dung hệ số điều chỉnh 0 hoặc 0,1 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi cao hơn chi phí tái chế như kim loại, giấy carton, nhựa cứng (theo nguyên tắc đảm bảo bù chi phí của OECD) và theo đúng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
Với các vật liệu khác, các hiệp hội đề nghị áp dụng hệ số 0,2 cho chai lọ thủy tinh (theo đề xuất của nhóm chuyên gia tư vấn của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 23/3/2023); hệ số 0,2 hoặc 0,3 cho giấy hỗn hợp để Fs tương đương các nước (giống tính toán của Liên minh Tái chế Việt nam PRO); hệ số 0,3 cho bao bì đơn vật liệu mềm; 0,5 cho bao bì đa vật liệu mềm để Fs không bị quá cao, gần giống Fs của các nước Đông Âu và giống tính toán của PRO.
Về vấn đề này, khi trả lời ý kiến doanh nghiệp, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, việc áp dụng hệ số điều chỉnh chính là thể hiện yếu tố tuần hoàn trong công thức tính Fs. “Đúng là còn ý kiến khác nhau về hệ số, chúng tôi sẽ cân nhắc thêm, vì thực tế doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu muốn giảm còn phía đơn vị tái chế nói cần tăng thêm”, đại diện Ban soạn thảo cho biết.
Tuy nhiên, đây cũng là lý do các hiệp hội sản xuất - kinh doanh đang đề nghị được tham gia vào xây dựng Fs, chứ không chỉ có các doanh nghiệp tái chế được tham gia.
Đề nghị thay đổi cách nộp phí EPR, có thời gian hướng dẫn thực thi:
Liên quan đến việc thực hiện quy định EPR, VBA đang đề nghị thay đổi cách nộp phí EPR, từ nộp tạm ứng vào đầu năm 2024 sang nộp theo quyết toán số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024, tức nộp vào tháng 4/2025 để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế mà tháo gỡ được khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Giám đốc điều hành Amcham James Ollen và bà Trương Ngọc Diệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang ủng hộ đề xuất này.
“Việc thay đổi thời điểm nộp như vậy vừa đảm bảo thực hiện đúng Nghị định 08/2022/NĐ-CP, vì các doanh nghiệp vẫn đảm bảo đầy đủ trách nhiệm tái chế các hàng hóa được sản xuất -nhập khẩu trong năm 2024, vừa tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp nhờ không phải nộp tạm ứng một khoản tiền nhiều ngàn tỷ ngay đầu năm khi doanh số còn chưa có và doanh nghiệp đang rất thiếu vốn như hiện nay”, đại diện Eurocham cho biết.
Thêm vào đó, VBA và Eurocham đều cho rằng, EPR là một vấn đề rất mới, các doanh nghiệp cần có thời gian để tìm hiểu, lựa chọn công nghệ tái chế phù hợp và triển khai trong thực tiễn, nên cần có thời gian hướng dẫn thực thi.
“Trong hai năm đầu (2024 và 2025), các doanh nghiệp mong muốn được hướng dẫn thi hành, nếu nộp thiếu do tính toán sai hay triển khai công nghệ chậm thì phải nộp bù cho đủ, nhưng chưa xử phạt”, bà Vân Anh đề xuất cụ thể.
Liên quan đến đề xuất này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng cho rằng, đây là một hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nên cân nhắc đối với các quy định buộc phải áp dụng.
“Khi việc áp dụng quy định là cần thiết phải làm, thì việc tính toán lộ trình phù hợp rất nên được đặt ra khi bối cảnh kinh doanh đang khó khăn, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ để giảm chi phí”, ông Hiếu chia sẻ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tiếp tục đề nghị cho phép thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế cho 1 loại bao bì/sản phẩm trong cùng năm.
Mặc dù Ban soạn thảo cho rằng, cách quy định hiện nay chỉ cho phép doanh nghiệp chọn một trong 2 hình thức, song các doanh nghiệp không đồng tình. Viễn dẫn Luật Bảo vệ môi trường quy định ““Tổ chức, cá nhân được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức (gồm a)Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; b) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam),, không có điều khoản nào cấm chọn cả 2 hình thức.
Thêm vào đó, ngày 23/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Những việc luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm”, do đó việc kết hợp cả hai hình thức tái chế là phù hợp với Luật.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đề nghị có cơ chế tạo thị trường cho vật liệu tái chế để khuyến khích tái chế, như áp dụng hệ số điều chỉnh bằng 0 cho phần sử dụng vật liệu tái chế, bao bì thiết kế thân thiện với môi trường.
Theo các Hiệp hội, các đề xuất này sẽ giúp lộ trình EPR phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ: “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền” và chỉ đạo của Bộ Chính trị ngày 21/7/2023: “tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất”.
Trả lời về ý kiến này, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, việc áp dụng hệ số điều chỉnh bằng 0 cho các vật liệu có giá trị thu hồi cao hơn chi phí tái chế là không hợp lý, vì sẽ không còn nghĩa vụ tái chế của doanh nghiệp. “Chúng ta có thể tranh luận mức phí cao hay thấp, hệ số điều chỉnh từng loại có phù hợp không, chứ không thể đề xuất Fs bằng 0”, đại diện Ban soạn thảo khẳng định.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư sau Hội thảo tại TP.HCM, đại diện một số hiệp hội tiếp tục bày tỏ sự không đồng thuận. “Quan điểm đó của Ban soạn thảo là chưa xem xét đến thực tiễn, chưa phù hợp với nguyên tắc kinh tế tuần hoàn cũng như kinh nghiệm quốc tế”, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa nói.
Theo bà Mỹ, ngoài các bao bì sử dụng vật liệu có giá trị thu hồi cao hơn chi phí tái chế như kim loại, giấy carton, chai PET, các doanh nghiệp còn sử dụng nhiều vật liệu khác, với các vật liệu này, các doanh nghiệp vẫn đóng phí EPR, nên không thể nói là không còn nghĩa vụ tái chế.
Hơn thế, việc Fs bằng 0 không phải không tồn tại, nhất là với các vật liệu có giá trị cao như lon nhôm. Bà Mỹ cho biết, tại Na Uy, nhà sản xuất không những không phải đóng góp, mà còn nhận được 0,03 Kron Na Uy, tương đương 133 đồng cho mỗi lon nhôm đưa ra thì trường từ nhà tái chế vì nhà tái chế lon nhôm có lãi lớn.
“Không thể chỉ vì tăng lợi nhuận cho mấy chục nhà tái chế đang có lãi mà hy sinh lợi ích của hàng chục ngàn doanh nghiệp và một trăm triệu người tiêu dùng Việt Nam”, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa tiếp tục bảo lưu ý kiến.