Đầu tư
Tận dụng cơ chế đặc thù
Anh Minh - 10/12/2023 10:18
Đúng 1 tuần sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, UBND tỉnh Cao Bằng đã công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) giai đoạn I.

Theo đó, liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - CTCP Xây dựng Công trình 568 được chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Đây cũng là những nhà đầu tư hiếm hoi, kiên nhẫn theo đuổi Dự án trong gần 4 năm qua, thậm chí đã đồng hành với chính quyền địa phương nghiên cứu, tìm giải pháp tối ưu để triển khai công trình với chi phí hợp lý nhất.

Dù còn phải trải qua bước đàm phán chi tiết trước khi tiến tới ký kết hợp đồng, nhưng việc được Quốc hội thí điểm cho phép nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại Dự án lên sát mốc 70% tổng mức đầu tư, về cơ bản, đã giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuyết phục được các nhà đầu tư, ngân hàng yên tâm bỏ vốn đầu tư vào dự án đặc biệt khó khăn này.

Việc Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn I giải quyết được nút thắt khó khăn lớn nhất, tiến tới mục tiêu khởi công công trình vào quý I/2024 cho thấy Nghị quyết Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã ngay lập tức đi vào cuộc sống.

Cần phải nói thêm rằng, không chỉ Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn I, mà rất nhiều công trình giao thông trọng điểm khác cũng sẽ được hưởng lợi từ Nghị quyết.

Cụ thể, các nhà thầu thi công 21 dự án giao thông đường bộ khác, trong đó có nhiều dự án đường bộ cao tốc quan trọng, sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ Khảo sát vật liệu xây dựng.

Theo quy định hiện hành, với các mỏ vật liệu mới phục vụ xây dựng công trình giao thông đường bộ, thủ tục cấp phép khai thác vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản khá phức tạp, phải qua nhiều khâu, nhiều cấp. Thời gian thực hiện các bước nói trên kéo dài 10 - 12 tháng, khó đáp ứng tiến độ triển khai những dự án có thời gian thi công gói gọn trong 24 - 36 tháng. Song, với cơ chế thí điểm Quốc hội cho phép áp dụng, thời gian có thể rút ngắn khoảng 8 - 10 tháng, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công trình, qua đó giúp phát huy hiệu quả đầu tư.

Mặc dù vậy, Nghị quyết cũng không hẳn là “cây đũa thần”, giúp giải quyết toàn bộ vướng mắc liên quan đến việc cấp phép, khai thác khoáng sản phục vụ thi công dự án nếu chủ đầu tư, nhà thầu không nhận được sự hỗ trợ quyết liệt của chính quyền địa phương. Vai trò của địa phương càng quan trọng trong việc hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu đạt được thỏa thuận về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, bồi thường cây cối, hoa màu... với các chủ sở hữu những mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Xét cho cùng, trong bối cảnh rất nhiều dự án thuộc Danh mục 21 dự án được chọn áp dụng cơ chế thí điểm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được phân cấp cho chính quyền các tỉnh, thành phố thực hiện chức năng chủ quản đầu tư, thì làm tốt nhiệm vụ này cũng sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc cho chính dự án do địa phương đó đảm trách.

Do Nghị quyết có hiệu lực đến hết tháng 6/2025, nên các chủ dự án vừa phải tận dụng thật tốt các cơ chế đặc thù mà Quốc hội mới ban hành, vừa phải khẩn trương bổ sung nhân lực quản lý dự án chất lượng cao, đồng thời đề ra biện pháp phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong việc lựa chọn nhà thầu khi triển khai. Trong đó, phải tuyệt đối tránh tình trạng “hứa, cam kết lấy được”, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo, thất thoát, lãng phí. Điều này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư các dự án được xem là động lực phục hồi, phát triển kinh tế đất nước, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước.

Tin liên quan
Tin khác