Y tế - Sức khỏe
Tăng cao bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp trên
D.Ngân - 30/10/2024 15:57
Theo thông tin từ một số cơ sở y tế, thời gian qua số lượng bệnh nhân nhập viện do các bệnh viêm đường hô hấp trên tăng cao.

Mùa mưa kéo dài tại TP.HCM làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp trên như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, và cảm cúm.

Sự thay đổi thời tiết liên tục, độ ẩm cao và sự phát tán mạnh của vi khuẩn, virus trong không khí chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Theo thông tin từ một số cơ sở y tế, thời gian qua số lượng bệnh nhân nhập viện do các bệnh viêm đường hô hấp trên tăng cao.

Các bác sỹ giải thích, đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ xâm nhập khi hít thở. Nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày, cơ thể cần thời gian để thích nghi.

Trong quá trình này, hệ miễn dịch có thể bị suy yếu làm cho cơ thể dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và virus. Môi trường ẩm ướt lại là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển.

Chính vì vậy, giai đoạn giao mùa, mùa mưa, các bệnh viêm đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang,… bùng phát và tăng cao.

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản - những bộ phận có chức năng hít không khí từ bên ngoài cơ thể, làm ấm, làm ẩm và lọc khí trước khi đưa vào phổi.

Ngoài ra, không gian sống, làm việc trong thời tiết mưa, ẩm không thông thoáng càng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt, ở những không gian kín như văn phòng, trường học, bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp.

Mầm bệnh rất dễ lây lan qua các giọt bắn hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện gần; hoặc nếu chạm vào bề mặt có vi khuẩn, virus rồi chạm vào mắt, mũi, miệng cũng dễ nhiễm bệnh.

ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho biết, hệ miễn dịch của trẻ em và người cao tuổi thường yếu hơn, không đủ khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus trong mùa mưa nên dễ mắc bệnh hơn.

Ngoài ra, người có tiền sử bệnh hô hấp mạn tính, từng bị viêm xoang, viêm phế quản sẽ nhạy cảm hơn với các tác động từ môi trường, đặc biệt trong thời tiết ẩm ướt của mùa mưa cũng dễ mắc bệnh hơn.

Bà T.T.D. (45 tuổi, quận 7) đến khám tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 trong tình trạng sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau răng, chảy dịch nhầy xuống cổ họng, ho, nghẹt mũi.

Sau khi khám, khai thác bệnh sử, nội soi tai mũi họng, bác sỹ Phát chẩn đoán bà D. viêm xoang mạn tính, kê đơn thuốc điều trị. Các khe mũi bà D. đọng nhiều dịch mủ đục nên được hút mủ dịch trong xoang để thông thoáng.

Bác sỹ Phát giải thích, không khí lạnh, độ ẩm cao, nhiều vi khuẩn, virus sinh sôi tác động đến niêm mạc mũi gây tổn thương, viêm, phù nề dẫn đến tắc lỗ thông mũi xoang.

Mưa lạnh kích hoạt tình trạng viêm xoang dị ứng, làm cho tình trạng viêm xoang trở nặng hơn. Ngoài ra, những thay đổi về áp suất không khí và phấn hoa sau mưa cũng có thể ảnh hưởng đến chứng đau do viêm xoang.

Khi tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng vào mùa mưa, người bệnh cần đến bác sĩ khám và chữa trị kịp thời; tránh dùng toa thuốc cũ, hoặc toa thuốc của người khác vì có thể khiến bệnh nặng hơn, khó điều trị về sau.

Muốn trị viêm xoang hiệu quả, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ theo những chỉ định của bác sỹ về liệu trình thuốc, không lạm dụng hoặc tự ý ngưng thuốc khi vừa thấy dứt triệu chứng, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Mùa mưa đi kèm với nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh viêm đường hô hấp trên.

Tuy nhiên, nếu biết nguyên nhân và có biện pháp phòng ngừa đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro mắc bệnh. “Nên giữ ấm cơ thể đặc biệt vùng cổ, ngực, chân trong thời tiết mưa lạnh; hạn chế để cơ thể bị nhiễm nước mưa, nhanh chóng thay quần áo khô nếu bị ướt”, bác sỹ Phát lưu ý.

Để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên mùa mưa, bác sỹ khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày, bổ sung vitamin C từ thực phẩm như cam, chanh, bưởi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn để nâng cao hệ miễn dịch. Đảm bảo nhà cửa luôn thoáng mát, tránh ẩm mốc bằng cách mở cửa sổ, sử dụng máy hút ẩm nếu cần.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và đồ dùng cá nhân để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Tiêm phòng vắc-xin phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Bệnh lý viêm đường hô hấp có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ, nếu không được điều trị đúng cách, sau đó có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm.

Do đó, nếu có các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan hoặc ho có đờm, đau họng, khản tiếng, mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ hay sốt kéo dài, trên 38.5°C,… cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác