Từ ngày 23/5 đến ngày 12/8, TP.HCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi. Trong số các ca bệnh sởi có khoảng 50% bệnh nhân tại các tỉnh chuyển đến.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã, 16 quận, huyện. Trong đó, 9 quận, huyện có 2 ca trở lên; 3 quận, huyện có số ca sởi cao nhất là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân. Đáng chú ý năm 2024, TP.HCM đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh tại TP.HCM. |
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thấp nhất lây nhiễm nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.
Đồng thời chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Theo đó, TP.HCM cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với bệnh dịch theo các mức độ, quy mô của dịch; ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi đến khám tại đơn vị và sẵn sàng nguồn lực, các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi…
Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khám, chữa bệnh cần tăng cường hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi; các trường hợp nhẹ, không có biến chứng có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế.
Ngoài ra, các cơ sở cần thực hiện cách ly ngay người bệnh nghi ngờ hoặc được chẩn đoán mắc sởi trong phòng cách ly có thông khí tốt, cách xa các phòng bệnh khác hoặc khu vực đông người đi lại.
“Hạn chế số lượng người thăm bệnh và chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng sởi đầy đủ vào thăm người bệnh mắc sởi. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh”, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu.
Ngoài ra, TP.HCM cần tăng cường thực hiện các biện pháp truyền thông về phòng ngừa lây nhiễm, cách phát hiện và xử trí khi có người nghi nhiễm sởi cho nhân viên viên y tế, người dân tại cộng đồng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó là các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc cần tập huấn về sàng lọc, khám, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm sởi cho nhân viên y tế để sẵn sàng trong tình huống có dịch trong cơ sở khám chữa bệnh.