Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người, cũng là chìa khoá để đạt được tất cả mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhưng đang bị suy thoái trầm trọng.
Do đó, trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước ở nước ta.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái |
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bộ KH&CN kỳ vọng trong giai đoạn đến năm 2030, Chương trình KC.14/21-30 sẽ góp phần giải quyết những vấn đề tổng thể các vấn đề KH&CN liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước như: Công nghệ tiên tiến và giải pháp để phát triển gia tăng nguồn nước nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ, rủi ro mất an ninh nguồn nước; giải pháp, công nghệ mới, tiên tiến nhằm quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn, giảm thất thoát, lãng phí nước; tăng hiệu suất, năng suất nước; công nghệ, phương pháp tiên tiến, hiện đại, thông minh, đề xuất giải pháp mới gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhằm nâng cao mức bảo đảm an toàn, khai thác hiệu quả đập, hồ chứa nước.”
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại biểu đã trao đổi về các giải pháp, đề xuất ý kiến để đề xuất định hướng phát triển và ứng dụng KH&CN phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước trong mọi tình huống, cấp đủ nước với chất lượng chấp nhận được cho sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Hữu Huế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi cho biết, trong lĩnh vực an ninh nguồn nước và an toàn đập, Nhà trường có hàng trăm nhà khoa học đang giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực: khí tượng, thủy văn, quy hoạch, tưới tiêu, quản lý hệ thống công trình thủy lợi, môi trường đất, nước, cấp thoát nước, xử lý nước, an toàn hồ đập, vận hành và khai thác hồ chứa nước….
“Nguồn lực con người hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước theo yêu cầu của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước” giai đoạn đến năm 2030,’’ ông Nguyễn Hữu Huế cho biết thêm.
Toàn cảnh hội thảo |
Nguồn nước mặt của nước ta phân bổ không đều cả về không gian và thời gian, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước xuyên biên giới; Thách thức về gia tăng nguồn nghiên cứu công nghệ để gia tăng nguồn nước cũng như sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm cũng là một bài toán lớn đặt ra trong giai đoạn tới do do cầu nước dự kiến năm 2045 là 130 tỷ m3 tăng khoảng 30% so với nhu cầu thực tế hiện nay; Nguồn nước ở nhiều khu vực ở nước ta bị ô nhiễm trầm trọng; Công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng để đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn; Quản trị nước còn yếu, hiệu quả khai thác, sử dụng nước thấp.
Xác định an ninh nguồn nước đã trở thành vấn đề toàn cầu, việc bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là yêu cầu tất yếu khách quan, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó cũng đưa ra giải pháp “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.”
Giải pháp này cũng đã được cụ thể hoá tại Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và một số chiến lược, quy hoạch như: Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều đề cập đến nội dung về bảo đảm an ninh nguồn nước…
Từ nhu cầu thực tiễn an ninh nguồn nước và nhiệm vụ được giao của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/12/2023 Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2846/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”, mã số KC.14/21-30.
Mục tiêu của Chương trình KC.14/21-30 sẽ hướng tới: (i) Cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; (ii) Phát triển, ứng dụng, chuyển giao được các công nghệ tiên tiến để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an ninh nguồn nước và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) Phát triển, ứng dụng và chuyển giao được các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao mức bảo đảm an toàn, hiệu quả quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và công trình thủy lợi.