Ảnh minh họa. |
Nâng cao năng lực y tế cơ sở
Từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 6.043 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 2.271 ca cộng đồng và 3.772 trường hợp đã được cách ly. Theo số liệu mới nhất, riêng trong ngày 17/11, Hà Nội ghi nhận 258 ca dương tính SARS-CoV-2, với 82 ca trong đó cộng đồng, 109 ca khu cách ly và 67 ca trong khu phong tỏa.
Những ngày qua tình hình dịch tại đây trở nên phức tạp khi số ca mắc tại cộng đồng tăng cao. Cá biệt có ngày số ca mắc đã ở mức 3 con số. Các chuyên gia dự báo tình hình dịch bệnh sẽ ngày càng trở nên phức tạp nên hệ thống y tế cần chuẩn bị sẵn sàng.
Để ứng phó khẩn cấp với dịch khi có tình huống bất thường, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Thành phố đã xây dựng phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Hệ thống ô-xy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, ngành y tế TP. Hà Nội đã kích hoạt 2 bệnh viện tầng 3 gồm: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội hàng ngày giao ban trực tiếp với các bệnh viện vào buổi sáng với 81 điểm cầu, qua đó nắm được thông tin từ báo cáo hội chẩn các trường hợp từ nhẹ đến nặng, báo cáo chuyển tầng.
Đặc biệt, theo bà Hà, TP. Hà Nội dự kiến sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động được bố trí tại khu công nghiệp, khu chế xuất trong trường hợp số ca mắc tăng cao. Các trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
Tại TP.HCM, khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở một số địa bàn, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện cấp Thành phố điều động lực lượng xuống hỗ trợ các trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y chi viện cho TP.HCM dần rút khỏi.
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, Sở đã phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM quyết định kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Theo đó, khi cần tư vấn và hỗ trợ của “Thầy thuốc đồng hành”, F0 hoặc thân nhân có thể gọi tổng đài 1022 và bấm phím 4.
Xây dựng chi tiết kịch bản ứng phó
Ngoài chuẩn bị hệ thống y tế, theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, Thành phố đã xây dựng 4 kịch bản, tương ứng số ca mắc mới/100.000 dân/tuần, tương ứng với các mức nguy cơ. Trong tình huống 1, trường hợp cần nhập viện điều trị thì Thành phố sử dụng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 (bệnh viện điều trị 3 tầng).
Ở tình huống 2, kiểm soát được dịch bệnh, nhưng số ca mắc mới tương ứng cấp độ 2, khi đó những F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ điều trị cách ly ở nhà. Đối với tình huống cần nhập viện điều trị thì sẽ sử dụng 2 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị số 13 và số 16. Ngoài ra, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 của quận, huyện; các khoa điều trị Covid-19 của các bệnh viện trên địa bàn quận, huyện, thị xã.
Tình huống 3, dịch đã cơ bản kiểm soát tốt, nhưng có số ca mắc mới tương ứng ở mức độ 3 như tình hình hiện nay đang xảy ra ở Thành phố, thì các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ điều trị tại nhà và sẽ có các trạm y tế lưu động chăm sóc quản lý.
Về công tác thu dung tại các bệnh viện thì cả 3 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị của Thành phố (3 tầng) gồm Bệnh viện Dã chiến số 13, 14, 16 tiếp nhận điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, có thêm các bệnh viện thu dung điều trị tại các quận, huyện và 3 bệnh viện hồi sức Covid-19 khác.
Tình huống thứ 4, tình huống xấu nhất khi dịch Covid-19 tại Thành phố lại bùng phát trở lại, số ca tăng lên tương ứng mức độ 4. Lúc này các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ cách ly, điều trị tại nhà. Ngoài trạm y tế lưu động để chăm sóc, quản lý thì căn cứ vào số F0 này, các xã, phường, thị trấn sẽ thành lập thêm các tổ chăm sóc Covid cộng đồng để hỗ trợ các trạm y tế và trạm y tế lưu động. Đối với F0 nặng nguy kịch thì việc chăm sóc, điều trị tại 3 bệnh viện dã chiến của Thành phố và tại các khoa điều trị Covid của tất cả các quận, huyện.
Tại Hà Nội, Sở Y tế xây dựng kịch bản với 40.000 ca mắc Covid-19, trong đó 32.000 trường hợp tầng 1- tầng nhẹ và không biến chứng; 8.000 trường hợp tầng 2, 3 là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch - hiện sẵn sàng kích hoạt kịch bản nếu dịch bùng phát rộng.
Về phía cơ sở y tế, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến, thời gian tới cần xây dựng ngay bộ tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ triệu chứng đối với bệnh nhân Covid-19 làm cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thăm khám trực tuyến, kết nối, điều phối giường bệnh ở các tầng điều trị, sản xuất các trang thiết bị y tế trong nước có năng lực làm tốt, thay vì phải nhập khẩu như máy đo nồng độ oxy trong máu, máy oxy khí nén, máy thở oxy dòng cao.