Điều này không chỉ giải quyết vấn đề cấp thiết của ngân hàng, mà còn là sự đầu tư có lợi cho ngân sách.
. |
Ngân hàng tăng vốn, doanh nghiệp thêm vốn rẻ
Sau nhiều năm ròng rã kiến nghị, mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng, Agribank cũng sắp được Quốc hội chấp thuận cho tăng vốn. Đến thời điểm này, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều ủng hộ đề xuất này.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tin tưởng, việc tăng vốn cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh khác sẽ được Quốc hội “chốt” trong kỳ họp lần này.
“Năm 2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 25 yêu cầu không dùng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn. Hiện hoàn cảnh đã khác, có nguồn tích lũy từ lợi nhuận của ngân hàng, Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế và việc đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng trở nên rất quan trọng, hệ thống ngân hàng mạnh mới có thể hỗ trợ nền kinh tế”, TS. Lực nhận định.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Agribank đang thiếu hụt vốn trầm trọng. Tại thời điểm 31/3/2020, CAR của Agribank chỉ còn 6,9%, có nguy cơ rơi về 6,1% vào năm 2021 nếu không được tiếp vốn. Năm 2020, Agribank thiếu hụt vốn tự có 12.500 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2, thì Ngân hàng còn thiếu 3.500 tỷ đồng mới đạt CAR mức tối thiểu.
Theo kế hoạch đề ra, năm nay, Agribank sẽ tăng trưởng tín dụng 11%. Thế nhưng, nếu không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5-5%, nghĩa là phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế 60.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn khách hàng không có cơ hội tiếp cận vốn.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank khẳng định, nếu không được tăng vốn để đảm bảo quy định Basel II, khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng của Ngân hàng sẽ giảm đi. Do cung ứng 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nên việc Agribank giảm cung ứng vốn cho nền kinh tế sẽ tác động xấu đến sản xuất - kinh doanh, thu nhập của hàng triệu khách hàng là các cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn nông thôn.
Sự hỗ trợ vốn của VietinBank với nền kinh tế cũng suy giảm nếu không được tăng vốn. Chỉ khi Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP, VietinBank mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Trong kịch bản xấu nhất, tín dụng cả năm của VietinBank chỉ tăng 4%.
CAR của Vietcombank và BIDV cũng không dư giả và phải căn cơ cho định hướng phát triển lâu dài. Cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm hơn 40% thị phần tín dụng toàn nền kinh tế, việc chậm tăng vốn khiến tín dụng toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo NHNN cũng nhiều lần cảnh báo, nếu không được tăng vốn, nhiều ngân hàng thương mại có vốn nhà nước sẽ phải ngừng cấp tín dụng. Trong bối cảnh doanh nghiệp, nền kinh tế cần vốn để phục hồi sau tác động của Covid-19, sự tiếp sức của ngân hàng lại càng quan trọng.
Ngân sách: Hụt trước mắt, lợi lâu dài
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngân sách đang khó khăn, song không thể lấy đó để trì hoãn tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, việc tăng vốn cho ngân hàng sẽ giúp ngân sách hưởng lợi lâu dài, khi ngân hàng khỏe mạnh hơn, đóng thuế nhiều hơn.
Với Agribank, nếu được cấp đủ 3.500 tỷ đồng trong quý III/2020, dư nợ tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng thêm 500 tỷ đồng. Khi đó, vốn nhà nước cũng tăng thêm khoảng 380 tỷ đồng từ trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế.
Nhờ tăng vốn, năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện phát hành bổ sung trái phiếu tăng vốn (50% vốn cấp I tăng thêm) và tăng dư nợ cho vay tương ứng, doanh thu tăng thêm 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách nhà nước 900 - 1.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng.
Chưa kể, với việc tăng vốn, cung hàng chục ngàn tỷ đồng vốn rẻ ra nền kinh tế, Agribank sẽ giúp hàng ngàn khách hàng có điều kiện phát triển kinh doanh, tăng lợi nhuận và doanh thu, nộp thuế cho Nhà nước.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, nếu coi ngân sách là một khoản đầu tư, thì đầu tư cho ngân hàng thương mại là khoản sinh lời tốt nhất. Thời gian qua, vốn ngân sách đầu tư vào các dự án khác thua lỗ ngàn tỷ, trong khi đầu tư vào 4 ngân hàng quốc doanh đều đặn sinh lời, hàng năm góp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, cổ tức cho ngân sách.
Tăng vốn ngân hàng chính là sự lựa chọn đúng đắn thời điểm này, bởi ngân hàng đứng vững sẽ hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế. Với Agribank, việc ưu tiên tăng vốn càng quan trọng, vì ngân hàng này đang phục vụ chủ yếu khu vực tam nông - khu vực trọng yếu của nền kinh tế và bị tác động mạnh bởi Covid-19.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia