Lợi nhuận của Tập đoàn Cao su lên xuống khá thất thường trong những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh |
Lợi nhuận phập phù
Ngoài hoạt động kinh doanh chính là trồng, khai thác, chế biến cao su, Tập đoàn Cao su còn kinh doanh chế biến gỗ, đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư trên đất cao su, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Vừa niêm yết tháng 3/2020 trong bối cảnh thị trường chứng khoán chao đảo do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Cao su cũng không thoát khỏi bối cảnh chung khi giảm giá liên tục từ thời điểm niêm yết đến nay.
Thế nhưng, về dài hạn, doanh nghiệp này vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai kinh doanh sau khi niêm yết.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Cao su cho biết, việc niêm yết cổ phiếu GVR trên sàn HoSE sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Tập đoàn, tạo điều kiện tăng thanh khoản và thu hút các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu và uy tín trên thị trường. “Đây cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, đem lại các giá trị tối ưu, đích thực, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của cổ đông và các nhà đầu tư”, ông Thuận nói.
Năm 2020, Tập đoàn Cao su đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 24.647 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.029 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tuy không quá cao so với kết quả đã đạt được trong năm 2019 (3.991 tỷ đồng), nhưng ảnh hưởng của mùa dịch, cộng với lịch sử khá “phập phù” về lợi nhuận trong các năm trước khiến nhà đầu tư vẫn khá thấp thỏm về khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng của Tập đoàn Cao su trong năm 2020.
Nhìn lại các năm đã qua, lợi nhuận của Tập đoàn Cao su lên xuống khá thất thường. Chẳng hạn, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế năm 2017 khá cao, với 3.935 tỷ đồng, nhưng sau đó bất ngờ tuột dốc, xuống còn 3.334 tỷ đồng trước khi hồi phục tăng trở lại mức 3.991 tỷ đồng vào năm 2019.
Đo sức khỏe tài chính
Quy mô của Tập đoàn Cao su thì không có gì phải bàn cãi, bởi doanh nghiệp này có vốn điều lệ lên tới 40.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lên tới 50.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài quy mô khổng lồ, thì vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhiều là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này thế nào.
Về cơ cấu vốn, doanh nghiệp có tỷ lệ nợ khá thấp, với quy mô nợ phải trả là 27.414 tỷ đồng, chỉ chiếm 35% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn chỉ bằng khoảng 50% so với nợ dài hạn, với giá trị là 9.193 tỷ đồng.
Tuy nhiên, “điểm gợn” đáng chú ý là doanh nghiệp có giá trị dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi khá lớn, lên tới 191 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng đầu tư tài chính… tuy không quá lớn như phải thu khó đòi, nhưng cũng là số tiền không nhỏ, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Cụ thể, dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2019 là 51,3 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh là 4,4 tỷ đồng, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn là hơn 11 tỷ đồng.
Trong cơ cấu đầu tư năm 2019, Công ty đã chi tiền khá lớn cho hoạt động đầu tư. Số tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định trong năm qua là 847,7 tỷ đồng. Động thái này cũng đã góp phần làm gia tăng nguồn lực sản xuất của doanh nghiệp. Tài sản cố định sau khi đã trích khấu hao trong năm vẫn tăng 8,8%, đạt giá trị 27.677 tỷ đồng.
Song ngoài đầu tư tài sản, doanh nghiệp cũng đổ nhiều tiền vào các hoạt động đầu tư tài chính, với số tiền mua công cụ nợ của đơn vị khác trong năm 2019 lên tới 2.806 tỷ đồng. Tập đoàn Cao su cũng có những khoản cho vay nội bộ khá lớn, lên đến 948 tỷ đồng.