Ngã 6 Lý Thái Tổ, thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: Giản Thanh Sơn/Báo Lao động |
Trên thực tế, điều này đã được nhắc tới từ lâu, song càng tới gần thời điểm năm 2016, nỗi lo càng lớn. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Các hiệp định thương mại tự do với châu Âu, với Hàn Quốc, cũng như nhiều đối tác khác cũng đã được ký kết và sớm có hiệu lực. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), như công bố của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đang được báo cáo Bộ Chính trị xin chủ trương ký kết chính thức. Kỳ vọng đặt ra là vào khoảng tháng 2/2016.
Tất nhiên, cho đến giờ này, TPP thành hay bại còn tùy thuộc rất lớn vào sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Dù gì, sức nóng của hội nhập đã thực sự phả sau gáy. Và đó là con đường mà Việt Nam buộc phải tiếp tục đi, không thể đừng. Nhưng hãy nhìn vào các nội dung thảo luận tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Mặc dù báo cáo của Chính phủ khi bàn về việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 cũng đặt trong bối cảnh những thách thức do hội nhập AEC, TPP và hàng loạt FTA khác mang lại, nhiều vị “tư lệnh ngành” tỏ ra sốt ruột trước những nguy cơ mà nền kinh tế gặp phải khi hội nhập, nhưng không nhiều địa phương sốt sắng bàn về “kế sách” để ứng phó với các thách thức này.
Câu chuyện tương tự với doanh nghiệp. Một cách trùng hợp, đúng thời điểm Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra, thì Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và Trường Doanh nhân PACE cũng công bố một nghiên cứu khiến dư luận không khỏi giật mình. Đó là có đến 40,9% doanh nghiệp được hỏi không biết TPP là gì. Có tới 56,8% doanh nghiệp chưa biết đến và hầu như không quan tâm đến AEC. Thậm chí, có 33,4% chưa biết tới WTO (Tổ chức Thương mại thế giới). Tỷ lệ doanh nghiệp không nắm được các điều khoản cụ thể của AEC và TPP còn nhiều hơn, tương ứng là 85,5% và 81,5%...
Kết quả khảo sát chỉ để tham khảo, song rõ ràng là rất đáng lo, nhất là khi thực tế này đã được khẳng định lâu nay. Hiệu lực thi hành của các FTA không còn xa, mặc dù thời hiệu có thể là năm 2017, hay 2018, thậm chí như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói là trong đàm phán, các nước đều đồng ý để Việt Nam có một khoảng thời gian nhất định chuẩn bị.
Câu chuyện FTA thế hệ mới, hay ngay cả FTA thế hệ cũ, đều gắn với hai cụm từ cơ hội và thách thức. Chúng ta có tận dụng được cơ hội hay thậm chí ngược lại, tức biến cơ hội thành... thách thức khi năng lực cạnh tranh còn thấp, khi hội nhập chỉ được quan tâm ở cấp Trung ương, còn cấp địa phương lại thờ ơ, doanh nghiệp đứng ngoài cuộc. Nếu vậy, nguy cơ thua cuộc trên bàn cờ hội nhập là rất lớn.
Năm 2016 sắp bắt đầu. Hiện không còn thời gian cho việc tìm hiểu xem doanh nghiệp quan tâm như thế nào tới AEC, TPP... hay đưa ra các kiến nghị về việc phải tuyên truyền thông tin để người dân và doanh nghiệp hiểu hơn về TPP, về AEC... nữa. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Đã đến lúc phải bắt tay triển khai mọi biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng thích ứng và đón đầu cơ hội từ hội nhập. Phải gấp rút hành động.