Y tế - Sức khỏe
Thay đổi nhận thức về tiêm chủng vắc-xin
Dương Ngân - 27/02/2024 07:27
Vắc-xin được xem là một thành tựu y học vĩ đại của loài người, bởi từ khi vắc-xin ra đời, nhân loại đã có vũ khí hiệu quả để chủ động phòng, chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Người dân được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, hạn chế ốm đau, giảm thiểu chi phí khám và chữa bệnh trong suốt thời gian dài

Bảo vệ sức khỏe, tiết kiệm chi phí điều trị

Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ cho một cá nhân cụ thể, mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng. Đây được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho người tiêm và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, tránh tử vong hay mắc di chứng do bệnh dịch gây ra.

Nhờ có vắc-xin mà hàng năm, khoảng 2,5 triệu trẻ em trên thế giới đã được cứu sống, thoát khỏi nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm. Hiện đã có vắc-xin phòng bệnh cho 30 bệnh truyền nhiễm và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa chương trình tiêm chủng phổ cập tới toàn người dân. Những con số này cho thấy lợi ích của vắc-xin đối với toàn xã hội.

Cũng theo WHO, vắc-xin có thể giúp hàng ngàn người tránh bị tật nguyền, cứu sống hàng triệu sinh mạng trên thế giới, tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí điều trị y tế mỗi năm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, gánh nặng về tài chính cho việc điều trị bệnh gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi gia đình và xã hội.

Khi người dân được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, hạn chế ốm đau, giảm thiểu chi phí khám và chữa bệnh trong suốt thời gian dài. Từ đó, giảm được gánh nặng to lớn về y tế, giúp ổn định và nâng cao chất lượng sống. Chẳng hạn, cứ 1 USD chi cho vắc-xin phòng bệnh sởi - quai bị - rubella, thì sẽ tiết kiệm được 21 USD chăm sóc y tế (theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ).

Với vắc-xin cúm, việc tiêm phòng cúm cho thấy hiệu quả cao ở người lớn. Ước tính, với 1,8 tỷ liều vắc-xin cúm đã sử dụng, thế giới đã ngăn ngừa được 37 triệu trường hợp nhiễm cúm, 476.000 trường hợp nhập viện và 67.000 trường hợp tử vong. Ở người lớn khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi, vắc-xin cúm giúp giảm đến 74% triệu chứng cảm lạnh, giảm biến chứng cúm (viêm phế quản, viêm phổi) đến 40%. Ở người lớn tuổi (trên 60 tuổi), nhóm sử dụng vắc-xin cúm có tỷ lệ giảm tương đối bệnh giống cúm và cúm phải nhập viện tương ứng là 56% và 69%.

Người dân có thể yên tâm bởi hệ thống quản lý an toàn vắc-xin của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao.

- Ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) 

Với phụ nữ có thai, vắc-xin cúm giúp giảm 63% trường hợp nhiễm cúm ở trẻ sơ sinh, giảm 36% trường hợp bệnh hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh và người mẹ. Ở người có bệnh lý nền mạn tính, vắc-xin cúm làm giảm tần suất bệnh lý hô hấp cấp liên quan đến cúm ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tới 76,3%; giảm 70% biến cố tim mạch trên bệnh nhân có bệnh mạch vành cấp; giảm 50% tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường nhập viện và tử vong; giảm 55% nguy cơ nhồi máu não khi tiêm ngừa vắc-xin cúm ở năm đầu tiên so với năm trước không tiêm…

Ông Đoàn Hữu Thiển, Viện trưởng Viện Kiểm định quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế cho biết, nhờ có vắc-xin, mà Việt Nam đã khống chế được nhiều bệnh dịch nguy hiểm như lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, bại liệt, viêm não nhật bản B… Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh này ở nước ta đã giảm từ hàng trăm tới hàng ngàn lần so với trước khi có Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Tiêm chủng vắc-xin giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh, hạn chế ốm đau, giảm chi phí khám và chữa bệnh tật trong suốt thời gian dài trong đời vì đã được tiêm vắc-xin; giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ mắc bệnh; giảm tình trạng tàn phế, di chứng hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình.

Nếu trẻ em không được tiêm chủng, hoặc tiêm  chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn, theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị mắc bệnh, do không có miễn dịch bảo vệ.

Trên thực tế, không ít trường hợp những nơi, những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, như dịch sởi, ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản…, cướp đi tính mạng của nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Điều này càng cho thấy, nếu trẻ em không được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm muộn, thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ cũng như toàn thể cộng đồng.

Ông Trần Đắc Phu cũng bày tỏ lo ngại, mỗi khi xảy ra trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin, dù có thể là do nguyên nhân khách quan, thì trào lưu “anti vắc-xin” (tẩy chay vắc-xin) lại nổi lên. Tuy nhiên, nếu chứng kiến trẻ nhỏ nằm bất động do bệnh dịch tấn công vì cha mẹ quên hoặc không quan tâm đến việc tiêm chủng cho con, thì mới thấy được hậu quả to lớn thế nào.

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch

Y học ngày càng phát triển với nhiều loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả cao. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của Hệ thống Safpo/Potec chia sẻ, hiện một số người cho rằng, tiêm chủng vắc-xin chỉ dành cho trẻ em, nhưng điều này không đúng.

“Với người lớn, tiêm chủng vắc-xin cũng rất quan trọng, để bảo vệ sức khỏe, tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải nói.

Người lớn cần tiêm nhiều loại vắc-xin để bảo vệ bản thân trước các bệnh truyền nhiễm mà cơ thể chưa có miễn dịch. Ngoài ra, cũng cần tiêm nhắc lại một số vắc-xin đã được tiêm lúc nhỏ như vắc-xin phòng bệnh ho gà, uốn ván, viêm gan B…, vì hiệu lực bảo vệ của các vắc-xin này sẽ bị suy giảm theo thời gian.

Trước đây, trên thị trường không có nhiều loại vắc-xin dành cho người lớn, do các nhà sản xuất chưa quan tâm đến việc phòng bệnh cho người lớn. Tuy nhiên, hiện nay, ngay tại Việt Nam đã có nhiều vắc-xin mới dành cho người lớn như vắc-xin phòng các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn; vắc-xin phòng bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng tim, viêm phổi do não mô cầu khuẩn; vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung; vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà, vắc-xin phòng bệnh viêm gan A, viêm gan B; vắc-xin phòng bệnh sởi - quai bị - rubella; vắc-xin phòng bệnh thủy đậu.

PGS-TS.Trần Đắc Phu nhấn mạnh, nếu người trưởng thành cũng chủ động tiêm chủng vắc-xin, thì sẽ xây dựng được một cộng đồng miễn dịch và an toàn. Nhờ đó, có thể triệt tiêu những điều kiện phát triển và lây lan của các bệnh dịch và giúp bảo vệ tốt hơn những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao như trẻ em, người già, người mắc bệnh nền.

Hệ thống miễn dịch của con người sẽ suy yếu dần theo tuổi tác. Chưa kể, khi lớn tuổi, cơ thể con người bị lão hóa tự nhiên, dẫn đến nguy cơ bị viêm nhiễm cũng cao hơn. Bởi vậy, nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh để khởi động lại hệ miễn dịch, người lớn sẽ rất dễ nhiễm bệnh và khi đã nhiễm bệnh sẽ có chiều hướng diễn tiến nghiêm trọng, gây khó khăn trong điều trị, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Trước những lo ngại về chất lượng của các loại vắc-xin, ông Đoàn Hữu Thiển cho biết, mỗi loại vắc-xin được đưa vào sử dụng đều đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài và kỹ lưỡng về tính an toàn, hiệu lực, lịch tiêm, liều lượng và đường tiêm theo quy định. Vì vậy, để đảm bảo vắc-xin hoạt động hiệu quả, mỗi người cần được tiêm vắc-xin đúng lịch và đủ liều.

Các chuyên gia cảnh báo, vừa qua, ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện tiếp cận vắc-xin dịch vụ, lại bị trì hoãn tiêm vắc-xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, thì có thể dẫn đến nguy cơ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại.

Bài học thấy rõ là trong giai đoạn dịch Covid-19, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn khiến dịch bệnh xảy ra ở một số nơi, trong đó có dịch bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh Hà Giang và Điện Biên. Vì vậy, hơn lúc nào hết, không chỉ người dân cần thay đổi nhận thức về vắc-xin, chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có nhiều giải pháp để cung ứng đủ vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.

Đề cập việc kiểm soát chất lượng vắc-xin từ khi sản xuất đến nhập khẩu và sử dụng tiêm chủng, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, người dân có thể yên tâm bởi hệ thống quản lý an toàn vắc-xin của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao. Việt Nam chỉ thiếu 1 điểm để đạt cấp độ 4 như các nước phát triển, đó là thiếu dược sĩ tại cửa khẩu nơi nhập khẩu vắc-xin.

“Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị nhập khẩu, cơ sở nghiên cứu lâm sàng thực hiện các khâu đánh giá chặt chẽ để đảm bảo vắc-xin đến tay người dùng một cách an toàn nhất”, đại diện Cục Quản lý dược nói.

Tin liên quan
Tin khác