Người dân che ô tránh nắng khi di chuyển trên phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đó, trong tháng 6 vừa qua, nhiệt độ trung bình trên thế giới cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991 - 2020 và vượt mức kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 6/2019. Copernicus cho biết nhiệt độ tháng trước đã đạt kỷ lục ở khắp khu vực Tây Âu và Bắc Âu, trong khi một số vùng của Canada, Mỹ, Mexico, châu Á và miền Đông Australia "ấm hơn đáng kể so với bình thường". Copernicus cũng ghi nhận thời tiết tháng 6 mát hơn bình thường ở miền Tây Australia, miền Tây nước Mỹ và miền Tây nước Nga.
Trong những năm gần đây, thế giới liên tiếp ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục, phản ánh tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do khí nhà kính tạo ra từ các hoạt động của con người.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), ngày 4/7 vừa qua đã trở thành ngày nóng nhất khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt kỷ lục mới trong ngày thứ hai liên tiếp. Cụ thể, nhiệt độ trung bình của không khí trên bề mặt Trái Đất trong ngày 4/7 đã lên mức 17,18 độ C, cao hơn mức 17 độ C ghi nhận một ngày trước đó. Đây là hai mức nhiệt cao nhất kể từ ngày 24/7/2022, thời điểm nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 16,92 độ C. Đây cũng là dấu hiệu mới cho thấy tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Nhiệt độ được dự báo sẽ tăng cao hơn mức trung bình lịch sử vào năm tới khi xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã xác nhận rằng El Nino đang xảy ra. Bên cạnh đó, hoạt động của con người, trong đó chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch, đang tiếp tục tạo ra khoảng 40 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 mỗi năm.