Những năm gần đây, Vinacafe gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh |
Bức tranh trái ngược
Quá nửa năm 2024 đã đi qua, các doanh nghiệp cà phê ghi nhận hai chiều kinh doanh trái ngược. Một bên kinh doanh khởi sắc và tăng trưởng rõ rệt, bên còn lại chìm sâu trong thua lỗ, lợi nhuận giảm mạnh.
Là một doanh nghiệp cà phê lớn, nổi tiếng với các sản phẩm cà phê hòa tan, Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (HoSE: VCF) - thành viên của Tập đoàn Masan có kết quả kinh doanh tương đối khả quan, khoản lợi nhuận tăng vọt trong quý đầu tiên của năm nay, tới 22%. Cụ thể, trong quý I/2024, doanh thu thuần của Vinacafé Biên Hòa đạt gần 484 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi gộp đạt 92 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp đạt 19%, duy trì so với cùng kỳ.
Trừ các chi phí đều cao so với cùng kỳ, Vinacafé Biên Hòa lãi sau thuế 89 tỷ đồng, tăng 22%. Con số này giúp tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết tháng 3/2024 lên 1.692 tỷ đồng.
Theo giải trình của Công ty, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 10% nhờ tăng trưởng doanh số. Đồng thời, thu nhập thuần từ hoạt động tài chính tăng 95% do tối ưu hóa dòng tiền cho hoạt động đầu tư và chi phí lãi vay giảm.
Năm nay, Vinacafé Biên Hòa đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 470 - 500 tỷ đồng. So với năm ngoái, mục tiêu mới của Công ty dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu cao hơn 6 - 19%, từ 2.500 tỷ đồng (kế hoạch mức thấp), đến 2.800 tỷ đồng (kế hoạch mức cao); lợi nhuận tăng khoảng 4 - 11%.
Về định hướng chiến lược, Vinacafé Biên Hòa đặt trọng tâm vào việc sáng tạo sản phẩm mới và khác biệt, thực hiện đẩy mạnh phân phối ra các thị trường tiềm năng trên thế giới và áp dụng các giải pháp sản xuất xanh trong toàn hệ thống, di dời các dây chuyền sản xuất khỏi KCN Biên Hòa 1 về nhà máy tại KCN Long Thành trước năm 2025.
Nhìn lại năm 2023, Công ty đạt doanh thu 2.353 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 94% kế hoạch năm ở mức thấp. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 450 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2022 và đạt 118% kế hoạch năm ở mức thấp.
Ban lãnh đạo Vinacafé Biên Hòa cho rằng, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với khó khăn nội tại và chịu ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu nên chưa hồi phục. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng.
Ngoài sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đồ uống, nước giải khát trong nước, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam còn gặp khó khăn khi giá cà phê nguyên liệu Robusta tăng kỷ lục, gần gấp đôi so với giá bình quân năm 2022, được đánh giá là cao nhất trong gần 30 năm qua. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành cà phê chế biến sâu.
Tính đến cuối năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty sản xuất cà phê này là hơn 1.600 tỷ đồng.
Cần phải nhắc lại, Vinacafé Biên Hòa là doanh nghiệp được Vinacafe bán lại cho Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MSB) - thành viên Tập đoàn Masan (MSN), với giá gần 300 tỷ đồng vào năm 2016. Trước khi đổi chủ, Vinacafé Biên Hòa từng tranh chấp với Vinacafe về tên gọi thương hiệu vì cách đọc giống nhau, chỉ khác ở cách viết.
Thời điểm đó, Vinacafe xác định, nếu không có thương vụ bán Vinacafé Biên Hòa thì công ty sẽ lỗ khủng.
Vinacafé Biên Hòa tiền thân là Nhà máy cà phê Coronel, ra đời từ năm 1969. Cùng với nhiều thăng trầm của lịch sử, đây chính là đơn vị đã tạo ra thương hiệu Vinacafe và đưa thương hiệu này vươn tầm quốc tế trước khi về với Tổng công ty Cà phê Việt Nam vào năm 1988.
Khi tiến hành niêm yết trên sàn HOSE, Vinacafe là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 50% vốn cổ phần của Vinacafé Biên Hòa. Tuy nhiên, trong các năm sau đó, Vinacafe đã thoái vốn dần. Trước đợt bán nói trên, lần lượt vào tháng 6/2011 và tháng 12/2013, Vinacafe đã bán ra 3,4 triệu cổ phần và 6,5 triệu cổ phần Vinacafé Biên Hòa, thu về hơn 1.000 tỷ đồng.
Các đợt thoái vốn trước đây khỏi Vinacafé Biên Hòa cũng giúp Vinacafe “vớt vát” được phần nào hoạt động kinh doanh chính không mấy sáng sủa của đơn vị.
Khi “bán đứt” Vinacafé Biên Hòa, đồng nghĩa với việc Vinacafe đã bán đi tài sản giá trị nhất của mình, chỉ còn lại những đơn vị đang ở tình cảnh vô cùng khó khăn. Điển hình là Vinacafe Buôn Ma Thuột - một công ty liên kết của Vinacafe - với khoản lỗ hơn ngàn tỷ đồng.
Với tình hình lúc đó, việc bán đi những tài sản giá trị là giải pháp nhanh nhất, giúp Tổng công ty có “tiền tươi, thóc thật” để làm những gì cần thiết. Tuy nhiên, sau thương vụ đó, nhiều câu hỏi cũng được giới đầu tư, chuyên môn đặt ra là trong tương lai khi không còn tài sản “đắt giá” như Vinacafé Biên Hòa nữa, Vinacafe sẽ cải thiện các con số tài chính như thế nào?
Mới đây, thông tin Vinacafe lỗ lũy kế hơn ngàn tỷ đồng khiến giới đầu tư chú ý. Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vinacafe cho thấy, doanh thu năm 2023 đạt gần 2.100 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022. Công ty có nguồn thu từ cà phê, lúa gạo và cao su, trong đó chính yếu vẫn là cà phê.
Năm ngoái, tổng diện tích cây trồng tăng 9%, lên khoảng 12.458 ha, cho sản lượng tăng nhẹ lên hơn 29.600 tấn. Suốt cả năm, Vinacafe không phát sinh thêm hợp đồng xuất khẩu mới, mà chỉ tập trung giao hàng cho hợp đồng của những năm trước. Công ty bán ra nước ngoài khoảng 615 tấn, tương đương 1,08 triệu USD. Hai chỉ tiêu trên chỉ đạt 8% so với cùng kỳ năm trước đó. Còn lại, công ty bán được gần 5.650 tấn cho thị trường trong nước.
Nhờ giá vốn tăng chậm hơn doanh thu, Vinacafe lãi gộp hơn 259 tỷ đồng, tăng 70%. Đây là lần đầu doanh nghiệp này báo lãi từ khi công bố thông tin vào năm 2021. Hai năm trước đó, lợi nhuận đều âm hàng trăm tỷ đồng.
Tuy có lãi, song Vinacafe vẫn ghi nhận hơn 1.090 tỷ đồng lỗ lũy kế. Con số này lớn gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.
Ca khó “cắt lỗ” nhất của CMSC
Trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Vinacafe cho biết, đang trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, vườn cà phê kinh doanh hơn 25 năm, nên đã già cỗi, năng suất và chất lượng thấp. Ngoài ra, năm ngoái, tình trạng khô hạn kéo dài làm tăng chi phí tưới tiêu. Tình hình giá vật tư, phân bón, xăng dầu cũng tăng cao.
Vinacafe thành lập năm 1995 trên cơ sở chuyển từ Liên hiệp Các xí nghiệp cà phê. Đến năm 2010, doanh nghiệp này chuyển sang loại hình Công ty TNHH MTV, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đại diện sở hữu 100% vốn. Vinacafe có 46 đơn vị thành viên, hơn 24.200 lao động. Trong đó, 6 công ty con đang kinh doanh thua lỗ, tạo gánh nặng trực tiếp đến kết quả tài chính hợp nhất.
Lãnh đạo CMSC đã khuyến nghị Vinacafe cần chủ động đưa ra những giải pháp đột phá để sớm thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Thực tế, Tổng công ty luôn đề xuất CMSC, các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tồn tại về tài chính, quản lý sử dụng đất đai của Tổng công ty…
Lãnh đạo CMSC không ít lần thừa nhận, Vinacafe là một trong số những doanh nghiệp khó khăn nhất của Ủy ban.
Năm 2019, Vinacafe được chuyển giao về CMSC, tuy chưa cắt được lỗ, nhưng đã giảm dần lỗ qua các năm. Có thể nói, “gánh lỗ” của Vinacafe hiện còn rất nặng, nếu không có giải pháp đột phá, Vinacafe rất khó thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Vinacafe đặt mục tiêu hướng đến trở thành một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu trên thị trường. Điều này đòi hỏi không chỉ có sản phẩm chất lượng tốt, mà doanh nghiệp còn phải xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, đáng tin cậy, được người tiêu dùng biết đến.
Doanh nghiệp phải chú trọng việc nghiên cứu ra những sản phẩm mới, mạnh dạn chuyển đổi, từ đó mới có thể phát triển và định vị được vị thế trên thị trường cà phê.
“Vinacafe cần mạnh mẽ và năng động hơn nữa, chủ động đưa ra những giải pháp có tính đột phá, kể cả là những giải pháp mang tính chất cơ chế xin cho”, lãnh đạo CMSC chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo CMSC cũng cho rằng, việc Vinacafe xin cơ chế đặc thù có thể tốt, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, bất ổn sau này. Do đó, Vinacafe không nên đi sâu vào phương án cổ phần hóa, mà cần tính toán kỹ đến việc tự đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp.
Thời gian tới, Tổng công ty cần chủ động tìm kiếm đối tác để hợp tác phát triển, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, ưu tiên đầu tư cho trồng tái canh vườn cà phê; nghiên cứu mở rộng các thị trường tiềm năng, ổn định đầu mối kinh doanh xuất khẩu cà phê, bao gồm cả chế biến sâu và cà phê nhân xanh tại công ty mẹ.
Trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân, Vinacafe cho biết, sẽ phát huy tối đa sản phẩm nông nghiệp tạo ra từ vườn cây trên đất thuộc các đơn vị Tổng công ty quản lý. Tận dụng tối đa hệ thống kho, xưởng sẵn có trong nội bộ để chế biến các loại cà phê thành phẩm có chất lượng cao theo nhu cầu của khách hàng. Tổng công ty đã có kế hoạch đến năm 2025 có sản phẩm cà phê chế biến mang thương hiệu Vinacafe đứng trong top 5 thương hiệu cà phê của Việt Nam.
Ước tính, mỗi năm Vinacafe sản xuất khoảng 100.000 tấn cà phê nhân, kinh doanh và xuất khẩu 150.000 - 200.000 tấn cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, chiếm 10 - 15% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Các sản phẩm của Vinacafe được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và khu vực trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hà Lan, Hungary... Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm khoảng 350 triệu USD.
Bên cạnh sản phẩm cà phê nhân truyền thống, Vinacafe cũng là nhà sản xuất các loại cà phê tiêu dùng như: cà phê rang, cà phê bột, cà phê hòa tan (cà phê 3 trong 1)… Ngoài ra, Vinacafe còn sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản khác như gạo, hạt tiêu, hạt điều, ca cao, đường kính, bột ngũ cốc, mủ cao su thiên nhiên. Nhập khẩu phân bón, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất các trang thiết bị, máy móc chế biến cho ngành công nghiệp cà phê.