Việc định lượng khoản nợ có hợp lý?
Với quy định khoản nợ 200 triệu đồng quá hạn không đủ khả năng thanh toán trong 3 tháng là một trong những căn cứ để toà án tiếp nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng có quyền nộp đơn theo quy định, Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi đang vấp phải phản ứng từ phía doanh nghiệp và các chuyên gia.
| ||
Nên có quy định cụ thể về tỷ lệ thâm hụt vốn chủ sở hữu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ảnh: P.C |
“Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp muốn rút lui đúng luật. Nhưng nếu căn cứ vào khoản nợ 200 triệu đồng, thì hầu hết doanh nghiệp rơi vào diện ‘đủ điều kiện’. Nếu căn cứ vào khoảng thời gian 3 tháng của khoản nợ đến hạn mà không trả được, thì số liệu sẽ lấy ở nguồn nào”, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID) đặt vấn đề trong phiên họp mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án Luật Phá sản.
Cũng phải nói thêm, việc đưa định lượng này nhằm giải quyết những lo ngại trước đó về khả năng doanh nghiệp sẽ bị tác động bất lợi khi chủ nợ lạm quyền nộp đơn khi tiêu chí xác định không rõ ràng. Tuy nhiên, đây cũng là lý do làm dấy lên những phản ứng của doanh nghiệp và các chuyên gia về tính không hợp lý của định lượng này.
Tính không hợp lý thể hiện ở chỗ, theo số liệu của ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đa phần doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong tình trạng tổng các khoản nợ cao gấp hai, thậm chí ba lần tổng tài sản có. Thêm vào đó, quy mô, lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp rất khác nhau, nên đánh giá về mức độ an toàn cũng không thể giống nhau.
Nên bổ sung tương quan nợ - khả năng trả nợ
“Cần bổ sung tiêu chí về sự tương quan giữa khoản nợ và khả năng trả nợ vào phương án 1 mà Ban soạn thảo đang trình để đảm bảo điều kiện cần và đủ. Theo đó, khi tổng tài sản có cộng với vốn chủ sở hữu nhỏ hơn các khoản nợ phải trả đến hạn ở một mức nào đó, thì được xem là dấu hiệu bất ổn”, ông Tuấn phân tích.
Rõ ràng, mọi việc trở nên rõ ràng hơn khi bài toán được đặt ra trên cơ sở phân định mối tương quan giữa khả năng trả nợ và các khoản nợ mà doanh nghiệp đang gánh. Theo nghiên cứu của một số chuyên gia, ở một số nước phát triển, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ này được xác định ở mức khoảng 10%.
“Trong điều kiện của Việt Nam, có thể xác định khi vốn chủ sở hữu thâm hụt đến 2/3, thì doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, không phải tỷ lệ 2/3 áp dụng cho tất cả”, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất và cho rằng, mức cụ thể với một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng có thể để Chính phủ quy định.
Cũng phải nói thêm, trong quy định của Dự thảo Luật Phá sản, vẫn còn khá nhiều quy định không phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, bà Nguyệt Hường đặc biệt lo ngại về quy định hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản.
“Theo Dự thảo, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, các phát sinh công nợ vào thời điểm đó sẽ như thế nào? Quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp với các đối tác trong trường hợp đó sẽ rất khó xác định và vô cùng rủi ro”, bà Nguyệt Hường lo ngại.
Khánh An