Gần cuối năm 2017, gia đình bà Hương trú tại phố Quán Thánh (Hà Nội) chạy đôn chạy đáo tìm mua căn hộ tại Dự án Vinhomes Liễu Giai. Giá bán chung cư tại dự án này không hề thấp, trên 80 triệu đồng/m2, bà Hương chấp nhận cả những căn tầng 13, ban công hướng Tây, nhưng môi giới vẫn trả lời: “Căn 2 phòng ngủ hết sạch, giờ mua lại những căn có hướng không đẹp thì tiền chênh cũng gần 200 triệu đồng”.
Xu hướng bắt tay với ông lớn trong triển khai các dự án khu đô thị mới được nhận định sẽ ngày càng diễn ra phổ biến hơn. |
Với tầm tiền 6,5 tỷ đồng, gia đình bà Hương có vô số lựa chọn căn hộ 2 phòng ngủ tại nội đô thành phố, nhưng bà chỉ chấm Vinhomes Liễu Giai, vì dự án gần khu vực Vạn Phúc, nơi gia đình cô con gái lớn đang sinh sống để tiện thăm nom con cháu. Quan trọng hơn là trong nội đô thành phố, ít có dự án nào có khu phức hợp đầy đủ tiện ích cho chất lượng sống cao cấp như Vinhomes Liễu Giai.
Câu chuyện của gia đình bà Hương cho thấy, không chỉ các cặp vợ chồng trẻ chọn môi trường sống hiện đại, các khu chung cư phức hợp đầy đủ tiện ích như bể bơi, siêu thị, phòng tập gym, nhà trẻ, trường học, cà phê, trung tâm thương mại…, mà hiện có một bộ phận không nhỏ các khách hàng lớn tuổi có xu hướng lựa chọn sản phẩm đáp ứng các tiêu chí 6 trong 1 này.
Nhưng để đầu tư cả khu phức hợp như vậy, không chỉ đòi hỏi tiềm lực tài chính, mà quan trọng hơn còn là kinh nghiệm, trải nghiệm triển khai dự án, kinh nghiệm bán hàng của các chủ đầu tư. Nghiệp dư mà xông trận, cầm chắc lỗ như chơi, thậm chí không thể triển khai dự án vì thiếu lực.
Đó là một trong những lý do chính khiến Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặt bút ký hợp tác đầu tư với Vingroup tại Dự án Vinhomes Liễu Giai (tỷ lệ góp vốn là 30% bằng quyền sử dụng khu đất). Trước đó, SCIC cũng đã hợp tác với REE triển khai dự án chung cư tại phố Nguyễn Công Hoan (Ngọc Khánh, Hà Nội).
Một lãnh đạo của SCIC chia sẻ, làm gì cũng phải có chuyên môn, Tổng công ty chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, nên việc hợp tác với các tập đoàn tư nhân lớn sẽ giúp hai bên cùng win-win.
Một doanh nghiệp khác có tỷ lệ vốn nhà nước hơn 40%, đã cổ phần hóa vào năm 2015 đang hợp tác với một tập đoàn tư nhân lớn để triển khai xây dựng khu đô thị mới tại phía Nam Hà Nội. Khu đất có diện tích hơn 35 ha, vị trí không quá đẹp, nhưng lại đủ quy mô để có thể triển khai một khu phức hợp đầy đủ tiện ích.
Khu đô thị này đã bất động gần 10 năm nay, chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, nhưng thiếu nguồn lực, nên làm theo kiểu xôi đỗ và bị tái lấn chiếm rất nhiều. Ở dự án này, hơn 900 tỷ đồng đã được chủ đầu tư rót vào và mỗi năm riêng nợ vay lên tới gần 100 tỷ đồng. Đây là gánh nặng quá lớn với doanh nghiệp, buộc các nhà đầu tư, cổ đông lớn phải tìm hướng tháo gỡ.
Hợp tác với một tập đoàn tư nhân khá nổi danh gần đây, lại có ngân hàng lớn hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp thoát khỏi những cú chạy hụt hơi như trước đây. Từ giữa năm 2017, hai bên đã tái khởi động dự án, quyết liệt giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục như xin phê duyệt quy hoạch, nộp thuế tiền sử dụng đất…
“Đây được coi là lối thoát và chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm đưa dự án vào triển khai”, một đại diện của chủ đầu tư dự án khu đô thị chia sẻ.
Chưa có thống kê đầy đủ về diện tích đất mà các doanh nghiệp gốc nhà nước, có vốn nhà nước sau cổ phần hóa đang quản lý tại Hà Nội, hay các thành phố lớn. Việc tổng kiểm kê quỹ đất này đang được triển khai theo chỉ đạo mới đây của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, xu hướng bắt tay với ông lớn trong triển khai các dự án khu đô thị mới được nhận định sẽ ngày càng diễn ra phổ biến hơn.
Dễ nhận thấy một điều rõ ràng là, trong cuộc chơi về bất động sản, nếu không có năng lực chạy tiếp sức, không có tiềm lực tài chính và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các định chế tài chính, các chủ đầu tư khó có thể thành công. Mặt khác, trong thời buổi trăm hoa đua nở dự án, nếu không có những lợi thế độc đáo hoặc cách làm tốt, có uy tín thương hiệu, dù có bắt tay vào triển khai dự án, chủ đầu tư có thể bị ế hàng, chôn vốn và chịu lỗ dễ như chơi.
Với các doanh nghiệp nhà nước, hay có vốn nhà nước lớn, việc đảm bảo an toàn và có lãi cho các phương án kinh doanh là yêu cầu tiên quyết. Bởi vậy, họ dễ dàng chấp nhận lãi thấp để đứng trên vai những người khổng lồ.
Theo lãnh đạo một công ty nhà nước đã thoái toàn bộ vốn có diện tích kho bãi lớn, đây là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng khai thác. Câu chuyện còn lại chính là cơ chế giám sát và vận hành của các cơ quan quản lý để các khu đất vàng sớm được triển khai, tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội, nhưng lại không bị thất thoát tài sản nhà nước vào túi cá nhân.