Liệu “mùa xuân” blockchain có quay trở lại?
Năm 2022 là năm đáng quên với thị trường tài sản kỹ thuật số, blockchain với hàng loạt cú sốc như sự sụp đổ của “đế chế” FTX trị giá 32 tỷ USD, hệ sinh thái Terra và stable-coin UST thổi bay hơn 48 tỷ USD của các nhà đầu tư, Bitcoin sụt giá gần 70% so với đỉnh 2021, hàng loạt quỹ đầu tư vào tài sản số biến mất, các vụ hack đánh cắp tài sản lên đến hàng chục tỷ USD tại các dự án coin…
Thị trường blockchain Việt Nam cũng rơi vào mùa đông băng giá. Từ hơn 600 dự án game blockchain, đến nay, số dự án còn tồn tại sống lay lắt, cầm chừng, chỉ còn gần 100 dự án. Hơn 6 triệu nhà đầu tư Việt Nam đã mất hàng chục tỷ USD trong năm 2022 khi đầu tư vào coin, game blockchain và tài sản kỹ thuật số.
Bước vào năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường tài sản số đang ấm trở lại. “Ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số bắt đầu năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực. Tháng 1/2023 đã chứng kiến mức tăng giá Bitcoin lớn nhất kể từ năm 2013, với mức tăng 43%. Một dấu hiệu cho những diễn biến sẽ xảy ra trong năm 2023 chăng?”, ông Hadi Malaeb, CEO Agora Group đặt vấn đề tại Tọa đàm “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 7/2.
Theo ông Hadi Malaeb, tài sản kỹ thuật số hiện không hoạt động theo kiểu bong bóng, chúng chịu ảnh hưởng bởi lãi suất, cung tiền, tăng trưởng kinh tế... Khi thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19, thích nghi với tình trạng lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế, kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn, các yếu tố cơ bản cũng mạnh mẽ kéo theo không gian tài sản kỹ thuật số trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này có thể phải đối mặt với những quy định thắt chặt hơn trong năm nay nhằm ngăn chặn sự việc như FTX có thể xảy ra trong tương lai.
Ông Nguyễn Trung Thành, Nhà sáng lập Trustkeys Network nhận định, sau mỗi cuộc suy tàn là cơ hội tốt nhất để bắt đầu. Những mô hình kinh doanh thực sự như SocialFi (tài chính phi tập trung và mạng xã hội) có thể đi vào đời sống cùng blockchain với các ứng dụng thiết thực.
“Blockchain là công nghệ mới, lĩnh vực mới, lượng nhà đầu tư trẻ hóa và lực lượng gia nhập thị trường hiện tại là vô tận. Thị trường còn rất nhỏ, mới đạt tầm 1-2% thị trường chứng khoán Mỹ. Lượng tiền mặt thực tế trong thị trường khoảng 137 tỷ USD, nên khả năng mở rộng của thị trường trong 5-10 năm tới là điều chắc chắn”, ông Thành nhận xét.
Cần một khung pháp lý
Việt Nam từng được mệnh danh là thủ phủ của game blockchain với sự ra đời của rất nhiều dự án, một số dự án đã được định giá hàng tỷ USD. Nhưng hiện tại, vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho ngành công nghiệp này. Ông Nguyễn Thành Long, Quỹ TK Ventures cho rằng, nếu không xây dựng kịp thời khung pháp lý rõ ràng liên quan đến thị trường tài sản số cho chu kỳ phát triển tiếp theo, rất có thể, Việt Nam sẽ bị loại ra khỏi sự phát triển tất yếu của thời đại này.
Theo TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, Sáng lập viên Trung tâm FinTech-Crypto RMIT (Đại học RMIT Việt Nam), việc thiếu khung pháp lý đã dẫn đến thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nếu họ bị lừa đảo, gây khó khăn trong việc truy tìm các hoạt động tội phạm và lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa như rửa tiền, tạo ra môi trường kinh doanh đầy biến động và cơ quan thuế không có khả năng thu thuế từ các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa.
“Khi có kế hoạch thiết lập một nền tảng tài chính số quốc gia hiện đại, bền vững và tích hợp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính đến năm 2030, Việt Nam cần thực hiện các hành động cần thiết để trở thành một trung tâm tiền mã hóa với khung pháp lý tiền mã hóa thuận lợi và là nơi đặt trụ sở của các công ty tiền mã hóa hàng đầu thế giới”, ông Huy khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật ASL chia sẻ, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các lĩnh vực chưa có hành lang pháp lý rõ ràng như blockchain hoặc các sàn giao dịch điện tử. Khẩu vị của nhiều nhà đầu tư Việt Nam là bỏ qua yếu tố pháp lý, mà chỉ chú trọng tới lợi nhuận.
“Chúng ta cần có cách thức để đảm bảo các nhà đầu tư Việt Nam tham gia thị trường này và các đơn vị cung cấp tài sản số sẵn sàng hiện diện ở Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng vào Việt Nam, nhưng gặp rào cản pháp lý, không được cấp phép khiến họ hoang mang. Tôi nghĩ rằng, hệ thống pháp luật nên có sự thay đổi để kéo các đơn vị đầu tư xuyên biên giới hiện diện tại Việt Nam để áp dụng các chế tài bảo vệ người tham gia và khởi kiện khi cần thiết”, ông Khương khuyến nghị.
Blockchain là một ngành công nghệ còn rất mới, nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng không ít thách thức với mức độ rủi ro rất cao khi hành lang pháp lý chưa thông. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đưa ra các quyết định đầu tư, cần trang bị kiến thức tự bảo vệ tài sản cá nhân, tìm hiểu rõ cấu trúc chu kỳ của thị trường, về các mô hình kinh doanh mới trước khi có sự bảo vệ của Nhà nước.