Doanh nghiệp bưu chính làm ăn ra sao?
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt khoảng 58.900 tỷ đồng (tăng 9,3% so với năm 2022), trong đó doanh thu dịch vụ gói, kiện thương mại điện tử đạt hơn 38.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 64%); nộp ngân sách nhà nước khoảng 5.750 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2022. Sản lượng bưu chính năm 2023 ước đạt 2,5 tỷ bưu gửi (tăng 32,3% so với năm 2022), trong đó, sản lượng gói, kiện thương mại điện tử là 1,84 tỷ bưu gửi (chiếm khoảng 75%).
Trong năm 2023, hai doanh nghiệp bưu chính đầu đàn của Việt Nam thể hiện 2 “bộ mặt” khác nhau. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNpost) ước đạt doanh thu 17.955 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 615,2 tỷ đồng. Như vậy, 2 năm liên tiếp, VNpost sụt giảm về doanh thu.
Trong khi đó, Viettel Post ước tính doanh thu năm 2023 tăng 30% so với năm 2022 và lợi nhuận tăng 47%. Đây là mức tăng trưởng rất cao so với bình quân của ngành (khoảng 10%). Trước đó, năm 2022, Viettel Post đạt doanh thu 21.742,76 tỷ đồng, hoàn thành 84,53% kế hoạch, tương đương năm 2021 (tăng trưởng 0,87%). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 323,42 tỷ đồng, hoàn thành 51,91% kế hoạch.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng Thành viên VNpost cho biết, chỉ trong vòng 5 năm (2018-2022), số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng rất nhanh, từ 410 doanh nghiệp lên hơn 800 doanh nghiệp. Bưu chính, chuyển phát và giao hàng thương mại điện tử tại Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng khốc liệt, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và nhen nhóm sự phân chia trong thị trường bưu chính, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, chất lượng cung cấp dịch vụ và quyền lợi của khách hàng.
Nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh
Vấn đề nổi lên trên thị trường bưu chính, chuyển phát trong thời gian qua là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và các sàn thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử xây dựng hệ sinh thái khép kín, gồm: doanh nghiệp sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính để vận chuyển hàng hóa và nền tảng thanh toán... Sau khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp bưu chính của các sàn thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng, chỉ trong 2 - 3 năm đã thuộc top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất trên thị trường.
Theo thống kê của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất hầu hết đều đang tham gia vận chuyển hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử. Do đó, cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp bưu chính tham gia chuyển phát gói, kiện thương mại điện tử.
Ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính chỉ ra những biểu hiện có nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bưu chính, chuyển phát. Đó là việc các doanh nghiệp liên tục giảm giá, khuyến mãi, tặng quà, miễn phí giao hàng, tặng voucher… Trên thực tế, mặc dù chất lượng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp đang được cải tiến liên tục, nhưng do sản lượng bưu gửi tăng rất nhanh qua từng năm (riêng năm 2023, mỗi ngày có gần 7 triệu bưu gửi, trong đó khoảng 5 triệu bưu gửi thương mại điện tử được chuyển phát qua dịch vụ bưu chính), nên vẫn có doanh nghiệp chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Đáng nói là, các sàn thương mại điện tử đang chỉ định một số ít doanh nghiệp bưu chính tham gia vận chuyển hàng hóa giao dịch trên sàn của mình; còn các cửa hàng và người mua lại không được lựa chọn doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa mà mình mua/bán.
Còn theo ông Nguyễn Đắc Luân, Phó chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, việc “nở rộ” doanh nghiệp bưu chính, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần lớn, đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp chạy đua thu hút khách hàng bằng việc giảm giá, khuyến mại thường xuyên, có cả hiện tượng giảm trọng lượng để giảm giá bán. Đồng thời, pháp luật chưa quy định khung giá thấp nhất cho hoạt động bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát thương mại điện tử, nên chưa kiểm soát được vấn đề giảm giá cước chuyển phát.
Hiệp hội Bưu chính Việt Nam nhìn nhận, các công ty bưu chính nội địa đang đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng ngành nghề của các sàn thương mại điện tử, công ty chuyển phát xuyên biên giới. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn nước ngoài không ngừng mở rộng nguồn vốn đầu tư, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, tăng chiết khấu, khuyến mại, cung cấp dịch vụ với giá rẻ… để giành thị phần.
Mặc dù tính hiệu quả ngắn hạn của việc cạnh tranh về giá mang lại là không thể phủ nhận, song về dài hạn, việc này sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực cho chính doanh nghiệp “phá giá”, các doanh nghiệp cùng ngành và cả thị trường bưu chính Việt Nam. Sự cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây ra những bất ổn cho sự phát triển của thị trường.
Ông Nguyễn Trường Giang phân tích, hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính tại Việt Nam hoạt động đơn lẻ, nên khi hội nhập sẽ không có đủ các điều kiện để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và cạnh tranh với doanh nghiệp chuyển phát toàn cầu. Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp chủ đạo trên thị trường cũng gặp rất nhiều thách thức khi cạnh tranh với các doanh nghiệp bưu chính lớn có nguồn vốn đầu tư dồi dào từ nước ngoài.
Liên quan vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong chương trình kế hoạch năm 2024, sẽ sửa đổi Luật Bưu chính để điều chỉnh các hành vi, xu hướng mới trong kinh doanh dịch vụ bưu chính, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bưu chính, phát triển bền vững thị trường bưu chính…