Thời sự
Thiệt hại do mưa lũ tại Quảng Ninh đã lên tới trên 1.500 tỷ đồng
Thu Lê – Thanh Sơn - 31/07/2015 07:59
Trận mưa lũ kéo dài 6 ngày (từ ngày 25/7 – 30/7), đã khiến cho tỉnh Quảng Ninh phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Toàn tỉnh đã và đang tập trung khắc phục những hậu quả này và nhận được sự ủng hộ từ nhiều cá nhân và tổ chức.

Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả do đợt mưa kéo dài trên địa bàn của Mặt trận Tổ quốc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, đến chiều ngày 30/7,  đã có 43 tổ chức, cá nhân ủng hộ với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng. Trong đó, có một số đơn vị ủng hộ lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam 10 tỷ đồng; Tổng Công ty Đông Bắc 5 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM), Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn Texhong ủng hộ 1 tỷ đồng/đơn vị,...

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh, thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ rất nặng nề. Cụ thể, tại Hạ Long đã có 14 người chết, Cẩm Phả có 3 người chết do mưa lũ, nâng tổng số nạn nhân lên 17 người, 06 người mất tích hiện vẫn đang được tìm kiếm.

Quảng Ninh đang gồng sức khắc phục những hậu quả do mưa lũ gây ra

 

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tổng thiệt hại từ ngày 26/7/2015 đến 12h00 ngày 30/7 ước tính trên 1.500 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại trên địa bàn tỉnh là 1.000 tỷ, của ngành than là trên 500 tỷ đồng. Khoảng 3.700 ngôi nhà bị ngập lụt (Hạ Long: 1.700; Cẩm Phả: 2.000; Vân Đồn: 47 và các địa phương khác…), 43 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Trong đó, Cẩm Phả và Hạ Long là 2 địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Giao thông bị gián đoạn trong nhiều ngày, bởi tuyến đường huyết mạch - Quốc lộ 18A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương và Quảng Ninh, đoạn qua Cẩm Phả ngập sâu ở nhiều chỗ, nhiều đoạn bị đất đá từ trên đồi núi tràn xuống che lấp. Đến chiều ngày 28/7, máy xúc được huy động để giải tỏa những khối đất đá, xe cộ đã lưu thông được qua khu vực này. Để tránh dốc Đèo Bụt trên quốc lộ 18A bị hư hỏng, các phương tiện đi vào đường vành đai phía Bắc chạy qua huyện Hoành Bồ nối Hạ Long với Cẩm Phả. Tuy nhiên, khu vực này, đã bị sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ.

Nhiều khu vực dân cư tại các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của TP. Hạ Long; phường Quang Hanh của TP. Cẩm Phá; Bản Sen, huyện Vân Đồn trong nhiều ngày bị ngập lụt, bị chia cắt hoàn toàn. Có những nơi bị cô lập và ngập sâu đến 1,5m - 2m, có nơi sâu gấp nhiều lần như tại Bản Sen huyện Vân Đồn, ngập đến 10m. Đến hiện tại, các lực lượng cứu hộ của Quân đội đã và đang tiếp cận để cứu hộ, di chuyển, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. “Ngoài những địa phương trên, các địa phương còn lại có lượng mưa nhỏ, nên may mắn không có thiệt hại gì về người hay tài sản, tình hình ổn định”. Ông Long cho biết.

Tại thời điểm thời tiết tại Quảng Ninh vẫn u ám, nhiều mây, nhưng lượng mưa đã giảm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình mưa lũ ở miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh vẫn tiếp tục kéo dài đến 3/8/2015, có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông, lốc.

Trong mấy ngày qua, vì diễn biến của đợt mưa lũ rất phức tạp, nên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý khắc phục các sạt lở, di chuyển dân nơi bị ngập lụt đến nơi cao an toàn và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân. Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo huy động hàng ngàn chiến sỹ và phương tiện của quân đội, công an đóng trên địa bàn xuống các khu vực bị chia cắt, sập đổ nhà, ngập lụt để cứu dân bị nạn, tìm kiếm người còn mất tích; huy động hàng ngàn gói mì, bánh và nước uống đưa xuống các vùng bị chia cắt, bị ngập lụt để cứu đói cho dân.

Theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư Lệnh Quân khu 3 cũng đã cử Thiếu tướng Trần Đình Kha, Phó Tư lệnh trực tiếp đặt bộ chỉ huy tiền phương tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, để chỉ huy lực lượng chiến sỹ và phương tiện giúp tỉnh tiếp cận, cứu hộ, vận chuyển nhu yếu phẩm và di chuyển dân ở các khu dân cư bị ngập lụt và bị chia cắt lên các vị trí cao an toàn. Du khách mắc kẹt trên đảo Cô Tô đã được tàu Hải quân 634 ra đón về đất liền. Được biết, tàu sẽ làm nhiệm vụ này cho hết đợt mưa bão.

Toàn bộ các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, theo sự phân công, đã tập trung tại hiện trường và tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị chết, bị thương. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã trích ngân sách 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Các gia đình có nạn nhân bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ được hỗ trợ 6 triệu đồng/người chết và toàn bộ chi phí mai táng; hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương; 50.000.000 đồng/nhà bị sập.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh cũng đã trích 4,5 tỷ từ nguồn Quỹ cứu trợ của tỉnh để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại. Bên cạnh đó, UNBD tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động ứng ngân sách dự phòng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống; yêu cầu các địa phương, các ngành, đơn vị kiểm tra thực tế, thống kê chi tiết các thiệt hại; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, các gia đình có nhà bị sập đổ; chủ động xử lý các điểm ngập, lụt, các vị trí bị sạt lở làm ách tắc giao thông; kiểm tra, kiên quyết di chuyển các hộ dân ở vùng nguy hiểm bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; sẵn sàng và có biện pháp cụ thể đối phó đề phòng mưa lớn kéo dài; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đặc biệt ngành than phải kiểm soát các bãi thải hầm lò, phối hợp các địa phương để di chuyển các hộ có nguy cơ sạt lở về nơi an toàn.

Tin liên quan
Tin khác