Cách định thế và hướng
Với quá trình đô thị hóa ngày càng tăng cao theo nhu cầu nhà ở, các dự án khu đô thị và nhà ở được quy hoạch chia theo kiểu ô bàn cờ ngày càng nhiều. Đương nhiên, sẽ có nhiều lô đất nằm ở vị trí ngã tư đường. Vậy, với các lô đất có 2 mặt đường, thậm chí có 3 mặt đường, thì kiến trúc của công trình ảnh hưởng đến phong thủy như thế nào.
Trong bài này, chúng ta sẽ bàn luận đến ô đất có kích thước và hình dạng điển hình là 2 cạnh mặt tiền có độ dài như nhau, sẽ làm sáng tỏ hơn mối tương quan giữa kiến trúc và phong thủy.
Những nhà ở ngã tư để kinh doanh, thường thì sẽ mở nhiều cửa đi ở các mặt thoáng, có cửa dành riêng cho tầng 1, có cửa dành riêng cho tầng trên, để tận dụng mặt đường khác nhau.
Vậy, với trường hợp kiến trúc như vậy, thì đâu là hướng chính của ngôi nhà?
Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, nếu xét theo quan điểm thông thường của phong thủy Bát trạch, mọi người thường quan điểm cửa nào thường xuyên ra vào thì đó là cửa chính, hoặc hai mặt đều có cửa thì cửa nào rộng hơn đó là cửa chính.
Nhiều người học phong thủy phái Bát trạch cho rằng, lấy hướng cửa là hướng nhà và phong thủy nhà tốt hay xấu là do hướng cửa hợp tuổi gia chủ. Tính hướng cửa chính hợp tuổi thì nói nhà tốt phong thủy và hướng cửa không hợp tuổi thì nói nhà không tốt phong thủy cho gia chủ.
Nhà có hai mặt tiền, hướng nào hợp tuổi thì quay về hướng đó, nếu nhà kinh doanh mở nhiều cửa sẽ chọn cửa nào có hướng hợp tuổi thì đi ra vào bằng cửa đó.
Tuy nhiên, quan điểm này không đúng với kiến thức chuẩn của địa lý phong thủy. Để xác định cửa chính, phải căn cứ vào địa thế và kiến trúc của công trình để phân định ra thế, từ thế sẽ quyết định về hướng. Khi mảnh đất có 2 mặt tiền rộng bằng nhau và chiều rộng đường ở hai mặt cũng bằng nhau, thì do kiến trúc thiết kế mà tạo ra thế và hướng của công trình.
Từ đó, chúng ta có thể dùng giải pháp kiến trúc xây tường rào, làm bồn cây cũng được gọi là phương pháp dùng Thổ trấn và nhà cũng thay đổi thế và hướng. Sự vượng suy về phong thủy của ngôi nhà cũng thay đổi.
Ở hình 4, hướng 3 nhà xây cách nhà bên một khoảng nhất định, hướng 4 xây sát nhà khác.
Như vậy, về mặt kiến trúc quy hoạch ngôi nhà trên lô đất đã ảnh hưởng và thay đổi cả phong thủy. Và đương nhiên sự thịnh suy của ngôi nhà khi đặt trên lô đất theo các giải pháp kiến trúc khác nhau thì cũng khác nhau.
Lưu ý chung
Với những lô đất 2 mặt tiền và có diện tích lớn, công năng sử dụng sẽ rất đa dạng. Tầng hầm là nơi để xe, các tầng dưới để kinh doanh, các tầng trên làm căn hộ để ở, cho nên ở mỗi một mặt tiền thậm chí người ta còn có 2 – 3 cửa để ra vào công trình. Nhiều người ở các tầng trên khi đi làm sử dụng thang máy xuống tầng hầm và lái xe ra khỏi nhà, khi họ đi về cũng lại qua cửa và vào tầng hầm rồi cất xe và lên nhà.
Về kiến trúc, lối ra vào tầng hầm để xe có chiều rộng lớn hơn cửa chính, trong khi cửa chính khi có khách mới mở, nên không ra vào nhiều bằng cửa gara. Nếu như nói rằng theo quan điểm cửa nào rộng hơn là cửa chính để tính phong thủy, thì lúc này cửa chính phải là cửa gara.
Xét về thực tế, xe đi về phải đưa vào gara, chứ không ai dừng xe, rồi mở cửa chính rồi mới đánh xe vào. Hay chẳng ai đi vào cửa chính, xuống mở cửa gara rồi mới cất xe, cho nên lúc này cửa gara là cửa mở ra vào thường xuyên, là cửa nạp khí vào ngôi nhà nhiều hơn và ảnh hưởng phong thủy nhiều hơn so với cửa chính. Những trường hợp này cho thấy sự bất cập trong tính toán về phong thủy khi xét theo quan điểm cửa rộng hơn là cửa chính.
Vậy nên, khi thiết kế kiến trúc kèm với phong thủy, thì cửa gara quan trọng không kém cửa chính về mặt phong thủy.
Đối với ngôi nhà xây ở lô góc có hai mặt tiền thoáng đẹp, thì đương nhiên về mặt kiến trúc sẽ không những mở nhiều cửa ra vào ở tầng 1, mà người ta còn mở nhiều cửa sổ, ban công ở tầng trên. Khi tính toán về phong thủy theo 8 hướng - 24 sơn - 72 long thì đương nhiên sẽ có nhiều cửa ở vị trí không tốt về phong thủy. Và những cửa không tốt đó người ta thường xuyên mở để lấy ánh sáng, khí trời thì vượng khí phong thủy của ngôi nhà cũng bị suy giảm theo .
Tuy nhiên, về mặt kiến trúc, những vị trí phải mở cửa để đẹp và hợp lý về công năng sử dụng đương nhiên vẫn phải mở, chứ không phải vì phương vị xấu theo phong thủy mà xây tường kín bưng. Hơn nữa, phong thủy cũng thịnh suy theo thời vận, cửa ở thời vận này tốt, nhưng chưa chắc sang thời vận sau vẫn tốt. Ở thời vận này cửa đó ở phương vị xấu nhưng sang thời vận sau lại vượng. Nên về mặt kiến trúc, để hợp lý với công năng và mỹ thuật người ta vẫn phải thiết kế và xây dựng nhiều cửa.
Tuy nhiên, cửa nào không được vượng thì người ta thường xuyên đóng lại, treo rèm hoặc treo tranh, để gió và không khí, ánh sáng không đi qua được thì sự ảnh hưởng xấu về phong thủy của cửa xấu cũng không còn. Trường hợp cửa nào vượng thì mở thường xuyên để nạp khí, tiếp xúc ánh sáng, nạp thực khí tốt cho công trình.
Khi nói đến phong thủy thuộc về khí, phần vách kính cố định chỉ cho ánh sáng chiếu qua, chứ không cho khí đi qua thì lúc này luận về phong thủy chỉ có hư khí đi qua, nên những phòng cần có ánh sáng tự nhiên để cho sáng không gian trong nhà thì người ta làm vách kính cố định hoặc chốt cửa sổ lại, dùng hệ thống thông gió cùng với hệ điều hòa để cấp dưỡng khí cho ngôi nhà. Trong mỗi không gian phòng khác nhau, chọn phương vị tốt theo 8 hướng - 24 sơn - 72 long để đặt giường ngủ, bàn làm việc thì phòng nào cũng vượng khí.
Từ phân tích tổng quan trên, chúng ta thấy rằng, kiến trúc ảnh hưởng rất lớn đến phong thủy và làm thay đổi hẳng bài toán tính phong thủy. Một ngôi nhà đang xấu cũng có thể thành tốt, nếu không tính toán phong thủy ngay từ đầu thì một lô đất tốt về phong thủy nhưng xây một ngôi nhà lại bị phạm về phong thủy thành ra vẫn bị xấu.