Khó trăm bề
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 5 máy xạ trị, nhưng máy số 2 (máy được bảo hiểm y tế chi trả) hay bị hỏng nên bệnh nhân dồn sang các máy khác. Có khi chờ đợi đến 2h sáng mới tới lượt xạ trị, khiến người bệnh rất vất vả.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn. |
Theo phản ánh của người bệnh, vì là máy bảo hiểm y tế, nên máy số 2 ngày nào cũng hoạt động hết công suất, thỉnh thoảng lại bị hỏng. Nhiều người lo lắng đến lịch xạ trị nhưng không có máy, đành phải xin chuyển xạ máy khác và phải đóng tiền vì là máy dịch vụ.
Do quá tải bệnh nhân, máy xạ trị phải hoạt động gấp đôi công suất, nên việc phải chờ đợi đến nửa đêm và sáng để được xạ trị đã diễn ra tại Bệnh viện K.
Trao đổi về thực tế không đủ máy xạ trị cho bệnh nhân theo ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Bệnh viện có 6 máy xạ trị, gồm 5 máy ở cơ sở 3 và 1 máy ở cơ sở 2.
Máy số 1 và số 2 là máy được bảo hiểm y tế chi trả; 3 máy còn lại là máy xã hội hoá, chỉ được hưởng bảo hiểm y tế một phần, còn phải trả chi phí kỹ thuật cao tuỳ từng bệnh mà có mức phí phù hợp.
Thời gian qua, máy xạ số 1 và số 2 bị hỏng, tuy nhiên Bệnh viện đã sửa xong và đưa vào hoạt động, nhưng không thể chạy hết tối đa vì các máy này đã cũ, hết hạn.
Hiện hai máy này chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng, xạ cho 60-70 bệnh nhân/máy/ngày. Nếu 1-2 tuần nữa máy trơn tru thì mới tăng bệnh nhân.
Trung bình 1 ngày, Bệnh viện K tiếp nhận 2.000 bệnh nhân tới khám, 1.000 bệnh nhân xạ trị, hàng nghìn bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú.
Trong khi đó, 2 năm nay, bệnh nhân ung thư của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội dồn xuống Bệnh viện K do máy xạ trị của các bệnh viện này hỏng (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có 2 máy hỏng 1 máy; Bệnh viện Bạch Mai có 1 máy hỏng), nên lượng bệnh nhân tăng gần gấp đôi, máy móc cũng phải hoạt động tăng công suất hết mức.
Theo ông Quảng, công suất của 1 máy xạ trị xạ được 70 bệnh nhân/ngày, nhưng hiện đang phải gánh 150 bệnh nhân/ngày, máy hoạt động 20-22h/ngày cả thứ Bày, nên hỏng là không tránh khỏi.
Trong khi chi phí một lần sửa máy lên tới vài chục tỷ đồng, làm thầu mua linh kiện thay thế cũng tới cả tháng. Để mua mới máy, theo Giám đốc Bệnh viện K, phải có kinh phí, bởi giá thành 1 máy xạ trị trên 100 tỷ đồng, nên phải đầu tư dần.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 1 ở Yên Lãng, Thái Thịnh, Hà Nội, một số bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận lo lắng khi 3 tháng qua, họ không nhận được thuốc bảo hiểm nào để chữa tuyến thượng thận, dù họ có bảo hiểm y tế.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vừa qua có một số loại thuốc được dùng nhiều song bị thiếu là Albumin và Gamma Globulin và thuốc gây mê.
Theo lý giải của lãnh đạo Bệnh viện, hai loại thuốc Albumin và Gamma Globulin bị thiếu là do không có đối tác tham gia thầu, bệnh viện không mua sắm được nên tình trạng thiếu là có thật và trường hợp này là bất khả kháng.
Với thuốc gây mê, do không có loại thay thế, trong khi nhu cầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rất lớn bởi là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, mỗi ngày Bệnh viện thực hiện từ 270 tới 300 ca mổ phiên và 30 - 40 ca mổ cấp cứu.
Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thời gian qua cũng đang thiếu một số loại thuốc, hóa chất đặc trị, trong khi bệnh nhân không thể tiếp cận với thuốc rõ nguồn gốc khiến việc điều trị bị gián đoạn hoặc đình trệ, trong đó có thuốc Vincristine.
Bên cạnh đó, cơ sở cũng không có một số loại hóa chất điều trị như Methotrexate, Etoposid, Endoxan… nên người bệnh buộc phải tìm mua từ bên ngoài đưa vào viện để điều trị. Không chỉ hóa chất, một số loại vật tư y tế, dịch truyền, đơn cử như đường Glucose 5% cũng thường xuyên thiếu.
Gỡ khó bằng nhiều giải pháp
Trước sự quá tải và thực tế khó khăn của người bệnh, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trước đây Bệnh viện đề xuất mua thêm 11 máy xạ trị, nhưng hiện tại đang đẩy nhanh đấu thầu, từ nay đến năm 2025 sẽ mua 4 máy xạ trị mới, gồm: 1 máy cho cơ sở 2, dự kiến cuối năm 2024 mua xong; năm 2025 mua 3 máy, trong đó 2 máy cho cơ sở 1 từ nguồn tiền của Chính phủ và Bộ Y tế. "Nếu có thêm 4 máy xạ trị, sự quá tải sẽ giảm và bác sỹ, nhân viên y tế không phải vất vả làm việc quá giờ", ông Quảng nói.
Cũng chung cảnh ngộ khốn khó cho thiếu một số loại thuốc và vật tư, theo TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện phải ưu tiên các ca mổ cấp cứu, bệnh nặng còn lại các ca mổ thông thường, mổ thẩm mỹ sẽ chưa ưu tiên. Bên cạnh đó, các nhân viên tại đây phải tăng công suất mổ tới 8-9 giờ tối để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
“Các bác sỹ cũng rất mệt mỏi, họ đã cố hết sức, nếu cố quá thì không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu.
Phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, đối với người bệnh bảo hiểm y tế là một gánh nặng oằn vai trong khi đây là quyền lợi chính đáng họ được hưởng.
Được biết, tháng 6 năm nay, Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã lấy ý kiến các đơn vị của 36 tỉnh, TP và đã khảo sát báo cáo tình trạng thiếu thuốc trong 3 năm vừa qua. Có 63 sở y tế đã báo cáo và nói cho đến nay cơ bản đủ thuốc, chỉ một số trường hợp do mở thầu chưa thành công.
Thông tin thêm về việc người bệnh phải mua thuốc bảo hiểm y tế bên ngoài và đảm bảo quyền lợi cho người dân, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền lợi của người bệnh.
Theo đó, thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn đã được thanh toán hoặc chưa được thanh toán bảo hiểm y tế trước đó tại cơ sở khám chữa bệnh.
Cơ sở khám chữa bệnh không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh, vì lý do khách quan như đã đấu thầu thuốc, vật tư y tế đó nhưng không có đơn vị trúng thầu;
Có kết quả thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, nhà cung ứng không cung cấp được; trường hợp chậm có kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và đàm phán giá mà cơ sở khám chữa bệnh chưa tổ chức đấu thầu được.
Vụ Bảo hiểm y tế cũng đề xuất các nội dung cụ thể như với các loại thuốc, vật tư y tế đã thanh toán bảo hiểm y tế trước đó tại cơ sở khám chữa bệnh, thì mức giá thanh toán là giá thanh toán bảo hiểm y tế tại thời điểm gần nhất so với thời điểm mà cơ sở y tế hoặc người bệnh phải mua thuốc.
Với các thuốc, vật tư y tế chưa thanh toán bảo hiểm y tế trước đó tại cơ sở khám chữa bệnh thì mức giá thanh toán là giá trúng thầu thấp nhất tại thời điểm người bệnh mua thuốc.
Còn theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cơ quan này đang hoàn thiện Luật Dược và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10.
Nếu Luật Dược được thông qua sẽ có 5 chính sách cải cách thủ tục hành chính rất mạnh để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc, giúp cơ sở nhập thuốc và cung ứng cho cơ sở y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua.
Trước hết là cho phép sử dụng một giấy báo giá hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn của cơ sở thay vì 3 giấy báo giá như trước.
Bên cạnh đó, mua thiết bị, hóa chất là phải có hội đồng của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất để tránh tình trạng mua về nhưng không dùng được.
Ngoài ra, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế, tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu.
Đồng thời quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu; được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.
Thể chế về đấu thầu, mua sắm, thuốc theo ông Tuyên, hiện cơ bản đầy đủ, nhưng vấn đề chủ yếu nằm ở tổ chức thực hiện tại cơ sở, phải làm sao công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, khi các đơn vị đưa ra hồ sơ mời thầu, chấm thầu cần nghiên cứu kỹ về thực lực của nhà thầu tránh tình trạng nhà thầu thiếu thuốc.
Trong công tác đấu thầu, các đơn vị cần giao phòng vật tư phụ trách đảm bảo mọi công tác được thực hiện chuẩn chỉ, cán bộ thực hiệc cần được cho đi tập huấn và thực hiện nhiệm vụ đấu thầu lâu dài.
Tại các đơn vị, phòng kế hoạch tổng hợp, phòng vật tư y tế, khoa dược, phòng kế toán phải cùng phối hợp để xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc và vật tư cho năm sau.
Các đơn vị phải thống kê được mô hình bệnh tật trong vòng 5 năm hoặc ít nhất 6 tháng gần nhất để biết được bệnh gì sẽ tăng cao nhằm dự trù vật tư, thuốc từ đó đưa ra kế hoạch chọn nhà thầu và đấu thầu.
Đồng thời, để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, các bệnh viện cần có kế hoạch mua sắm thuốc cho năm sau ngay từ quý 4. Các đơn vị cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn đấu thầu để thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch.