Ngân hàng - Bảo hiểm
Thống đốc “bắt bệnh” thị trường, USD chợ đen giảm nhiệt
Hà Tâm - 30/08/2015 08:19
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “đánh động” về khả năng áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo thị trường ngoại tệ, giá USD trên thị trường tự do đã sụt giảm mạnh.

NHNN đã sẵn sàng “mạnh tay” ổn định tỷ giá

Liên tiếp các động thái trấn an thị trường vừa được NHNN đưa ra. Mới đây nhất, giữa tuần qua, Thống đốc NHNN đã tái khẳng định, đợt phá giá tiền đồng vừa qua là rất mạnh tay và NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá cho đến hết năm 2015. Thống đốc cũng chỉ rõ, nguyên nhân của “bệnh” sốt nóng tỷ giá hiện nay là do yếu tố tâm lý và khẳng định, NHNN sẽ sử dụng các công cụ chính sách để ổn định tỷ giá.

Cùng với tuyên bố trên, trong cuộc gặp với người đứng đầu các ngân hàng thương mại ngày 25/8, NHNN yêu cầu các ngân hàng chấm dứt tình trạng găm giữ USD, tăng cường bán USD đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN khẳng định sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp.

Giải pháp có thể áp dụng tiếp để bình ổn thị trường tỷ giá là bán mạnh ngoại tệ, giảm lãi suất USD. Ảnh: Đức Thanh

 

Ngay sau tuyên bố của NHNN, thị trường đã bớt căng thẳng. Một số ngân hàng bắt đầu bán ra ngoại tệ, một số DN xuất khẩu cũng bắt đầu “nhả” ngoại tệ cho ngân hàng. Giá trên thị trường tự do ngày 26/8 đã giảm khoảng 70-80 đồng/USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố “bong bóng”, khan hiếm ảo đang thể hiện rất rõ trên thị trường ngoại tệ, bởi hiện tại không phải là mùa cao điểm của thanh toán và cân đối ngoại tệ về cơ bản vẫn thặng dư. Vì vậy, khi dẹp được yếu tố tâm lý kỳ vọng, quả bóng tỷ giá cũng sẽ xì hơi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho rằng: “Nhận định thị trường ngoại tệ căng thẳng do yếu tố tâm lý là đúng bởi cung - cầu ngoại tệ vẫn bình thường. Dù nhập siêu 8 tháng đầu năm của cả nước khoảng 3,8 tỷ USD, nhưng giải ngân vốn FDI, ODA, kiều hối cũng như ngoại tệ thu về từ du lịch vẫn rất tốt”.

Nói về tình hình căng thẳng ngoại tệ trên thị trường thời gian gần đây, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thừa nhận, những sức ép từ biến động khó lường của đồng nhân dân tệ khiến ngân hàng và DN lo lắng về việc tỷ giá có thể tăng tiếp nên đã tăng mua vào USD, đồng thời hạn chế bán ra ngoại tệ.

Cũng lo lắng tương tự ACB, song nhiều ngân hàng cho hay, sau khi NHNN họp khẩn với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tuyên bố sẽ giữ ổn định tỷ giá và ngầm “cảnh cáo” về tình trạng găm giữ ngoại tệ, tâm lý của các ngân hàng cũng được giải tỏa, số lượng USD bán ra tuy vẫn chưa nhiều nhưng đã tăng mạnh so với trước đó.

Còn với DN, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Việc NHNN cam kết giữ ổn định cuối năm và đầu năm tới sẽ giúp DN yên tâm lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng sẽ giảm bớt”, TS. Lực nói.

Sẽ có giải pháp mạnh tay hơn

Để ổn định tỷ giá, trong vài tuần qua, NHNN đã đẩy mạnh bán ngoại tệ cho những ngân hàng đang có trạng thái âm ngoại tệ. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng siết chặt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cao lên, không để tiền thừa chảy vào đầu cơ ngoại tệ.

Tuy vậy, đây là những giải pháp khá tốn kém. Chính vì vậy, bên cạnh bán ngoại tệ, NHNN cũng đang sử dụng chính liệu pháp tâm lý để trị bệnh tâm lý, cụ thể là liên tiếp khẳng định ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm, đồng thời ngầm cảnh báo ngân hàng, doanh nghiệp không nên mua găm ngoại tệ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thời gian tới, tỷ giá tiếp tục căng thẳng, NHNN sẽ không “nhẹ nhàng” như hiện nay nữa mà có thể tính tới các giải pháp mạnh tay hơn để thắt chặt đầu cơ ngoại tệ như tiếp tục bán mạnh ngoại tệ ra, giảm lãi suất USD, thu hẹp trạng thái ngoại tệ của ngân hàng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, siết thị trường USD chợ đen…

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank cho rằng, hiện nay, NHNN vẫn xử lý tâm lý thị trường, tạo niềm tin cho thị trường. “Tuy nhiên, nếu thị trường căng thẳng kéo dài thì không loại trừ sẽ có các biện pháp mạnh, vì Ngân hàng Nhà nước đã nói sẽ dùng mọi biện pháp để can thiệp”, TS. Hưởng nói.

Trong khi đó, theo TS. Lực, giải pháp tới đây mà NHNN áp dụng có thể là bán mạnh hơn nữa ngoại tệ ra thị trường, sử dụng công cụ lãi suất để giảm độ hấp dẫn của đồng USD (giảm lãi suất USD).

Với giải pháp thu hẹp trạng thái ngoại tệ của ngân hàng để chặn đầu cơ, theo TS. Lực, chỉ nên áp dụng như là biện pháp cuối cùng. Bởi hiện nay các ngân hàng đã hiểu rất rõ rủi ro của việc duy trì trạng thái ngoại hối lớn nên việc thu hẹp là không cần thiết. Còn việc tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ là không nên, bởi sẽ đụng chạm đến thanh khoản ngoại tệ và làm tăng chi phí ngoại  tệ đầu vào của ngân hàng. 

Theo tính toán của các chuyên gia ngân hàng hàng, nếu NHNN kiên quyết giữ ổn định tỷ giá, đồng thời siết chặt thanh khoản tiền đồng, chỉ sau một thời gian ngắn, bóng tỷ giá sẽ “xẹp”. Hiện nay, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều chi rất nhiều tiền đồng để chuyển sang ngoại tệ. Tuy nhiên, sau một thời gian “ôm” ngoại tệ mà tỷ giá không tăng, họ buộc phải “thả” ngoại tệ ra để chuyển lại sang tiền đồng, bởi với lãi suất hiện nay, găm giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn. 

Đối với doanh nghiệp, lãnh đạo nhiều ngân hàng khuyến cáo, doanh nghiệp nên lựa chọn một số sản phẩm phá sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá như giao dịch kỳ hạn (forward) hoặc hoán đổi ngoại tệ (FX Swap), tránh mỗi khi tỷ giá biến động thì lại đổ xô vào mua - bán, đẩy tình hình thêm căng thẳng.

Tin liên quan
Tin khác