Chứng khoán Việt Nam có lúc giảm 80 điểm - mức giảm đầy bất ngờ do hàng loạt cổ phiếu "nằm sàn" |
Thống kê trên ba sàn chứng khoán, 240 mã trên tổng cộng hơn 1.600 mã chứng khoán đã giảm kịch biên độ trong phiên 25/4. Tình trạng “trắng bên mua” diễn ra trên diện rộng khi khá nhiều cổ phiếu vẫn còn dư bán sàn chưa được hấp thụ. Cùng đó, trên ba sàn còn có 539 mã giảm. Số lượng mã tăng hiếm hoi với 178 mã tăng giá và 27 mã tăng kịch biên độ.
Riêng sàn HoSE, số mã giảm sàn tăng đột biến lên 171 mã, chiếm hơn 40% mã chứng khoán đang niêm yết tại đây. Các mã giảm sàn phủ rộng ở các ngành và nhóm vốn hoá. Riêng trong nhóm VN30, một nửa số cổ phiếu trong danh mục giảm sàn. VN30-Index giảm 5,4%. Trong khi đó, nhóm VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt giảm 5,85% và 5,46%.
Bán tháo diễn ra trên diện rộng, VN-Index đã có thời điểm giảm 80 điểm. Đến kết phiên, chỉ số này giảm 68,31 điểm (-4,95%) xuống 1.310,95 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 27/8/2021.
Đóng cửa phiên 25/4, quy mô vốn hoá thị trường trên sàn HoSE còn 5.196.289 tỷ đồng, giảm 270.860 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 5,2 tỷ USD chỉ trong một phiên giao dịch. Với biên độ +/-10%, chỉ số sàn HNX còn rơi tự do tới 6,02% xuống 337,51 điểm. UPCoM-Index giảm 4,61 điểm (-4,43%) xuống 99,54 điểm. Đây đều là mức thấp nhất trong một năm rưỡi trở lại đây của các chỉ số.
Các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index là GAS, HPG, BID, VPB và TCB. Cả 5 cổ phiếu vốn hoá lớn trên đều giảm kịch biên độ. Còn trên HNX, cổ phiếu dẫn đầu đà giảm là THD, SHS, NVB, BAB, CEO. Tất cả các ngành đều giao dịch tiêu cực trong phiên. Điểm sáng tăng giá hiếm hoi của thị trường là BCM, BHN hay các cổ phiếu đã giảm sâu thời gian trước nay hồi phục tăng như FLC, ROS....
Chứng khoán tụt dốc, dòng tiền mua cổ phiếu giá thấp cũng tăng mạnh lên trong phiên chiều. |
Dòng tiền giao dịch trong phiên chiều đã tăng mạnh khi hàng loạt cổ phiếu không thể giảm thêm Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Giá trị giao dịch ba sàn đạt 25.550 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 22.228 tỷ đồng, giảm 16% so với phiên cuối tuần trước.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng, nhưng giá trị mua đã thu hẹp chỉ còn khoảng 250 tỷ đồng. SBT được khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất với 118 tỷ đồng. VRE và DGC được mua ròng lần lượt 63 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 118 tỷ đồng. DXG và VCB bị bán ròng lần lượt 74 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.
Sàn chứng khoán Việt Nam không phải nơi duy nhất chứng kiến cơn lũ bán tháo của các nhà đầu tư. Tất cả các thị trường chứng khoán châu Á đã kết thúc phiên giao dịch hôm nay trong sắc đỏ. Tương tự, đa số chứng khoán châu Âu cũng giảm 1-2%. Ngược dòng, chứng khoán Nga đang tăng tới 1,58%.
Phiên bốc hơi 980 điểm của chỉ số Dow Jones cuối tuần trước đã tạo hiệu ứng lan truyền trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cùng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đứng trước áp lực tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các thị trường tài chính đang chịu ảnh hưởng mạnh khi tiền rẻ không còn nhiều. Riêng với các sàn chứng khoán Trung Quốc, lo ngại sự bùng phát của dịch Covid-19 có thể khiến các lệnh phong toả mới được ban hành, gây thêm áp lực với nền kinh tế và phản ánh vào các chỉ số chứng khoán quốc gia này.