Tổng cục Thuế dự báo, thu nội địa trong tháng 2/2021 đạt 72.000 tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ. |
Tổng cục Thuế vừa công bố kết quả thu nội địa tháng 1/2021. Theo đó, thu ngân sách nhà nước tháng 1/2021 do Tổng cục Thuế quản lý đạt ước đạt 134.000 tỷ đồng, đạt 12% dự toán, nhưng giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Cả 3 khu vực đều giảm thu so với cùng kỳ
Cụ thể, thu từ dầu thô đạt 2.450 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán; thu nội địa đạt 131.550 tỷ đồng, bằng 12% dự toán, giảm 15,3% so với tháng 1/2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 104.850 tỷ đồng, bằng 11,9% so với dự toán, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng nói là thu từ khu vực doanh nghiệp (hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước - phản ánh nội lực của nền kinh tế) mặc dù đã đạt trên 13% dự toán nhưng vẫn giảm 17,3% so với cùng kỳ (ước đạt 76.800 tỷ đồng). Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 15.700 tỷ đồng, giảm 23,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 28.800 tỷ đồng, giảm 15,8%; khu vực dân doanh đạt 32.300 tỷ đồng, giảm 15,4%.
Các sắc thuế đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, ngoại trừ thuế tiêu thụ đặc biệt số thu tháng 1/2020 tăng trên 40% (chủ yếu do tăng thu từ mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước), các sắc thuế còn lại đều giảm thu so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ thuế giá trị gia tăng giảm 13,7%; thuế thu nhập doanh nghiệp giảm tới 31,4%. Các khoản thu từ đất (chiếm khoảng 10,2% tổng thu nội địa) giảm 4,6%.
Ngay cả các khoản thu khác (chiếm trên 24% số thu nội địa) cũng bị giảm tới 14% (ngoại trừ thuế bảo vệ môi trường tăng 21,7%). Trong đó, lệ phí trước bạ giảm 3%; thu từ phí, lệ phí giảm gần 11%; thu từ hoạt động xổ số ước giảm tới 29,8%.
Theo lý giải của Tổng cục Thuế, thu ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, hoạt động kinh tế của Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến khó lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hàng không, du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu... Vì vậy, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP quý IV đã phục hồi khi tăng 4,48% so với 2 quý trước đó (quý II tăng 0,39% và quý III tăng 2,69%), nhưng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (tăng 6,97%) - là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 - đã tác động không thuận đến kết quả thu ngân sách tháng 1/2021.
Dự báo quý I/2020 cũng giảm thu
Ngoài nguyên nhân kể trên, theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, còn có nguyên nhân là thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã triển khai trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục có hiệu lực làm giảm thu ngân sách không chỉ tháng 1/2021 mà còn kéo dài trong những tháng đầu năm 2021 khi các chính sách này chưa chấm dứt (các chính sách này kéo dài trong 5 tháng).
Cụ thể, thực hiện nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 ước tính làm giảm số thu thuế thu nhập cá nhân trong tháng 1/2021 khoảng 1.800 tỷ đồng.
Chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm làm giảm thu trong tháng 1/2021 khoảng 2.800 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành vận tải hàng không, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; Bộ Tài chính tiếp tục cắt giảm đối với 29 loại phí, lệ phí cũng làm giảm thu ngân sách trong những tháng đầu năm 2021.
Trước bối cảnh này, Tổng cục Thuế dự báo, số thu ngân sách do ngành thuế quản lý tháng 2/2021 ước đạt khoảng 74.000 tỷ đồng, giảm 13% so với tháng 2/2020.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), việc tháng 1 và thậm chí cả quý I năm nay giảm thu còn có nguyên nhân là do thay đổi chính sách quản lý thu theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, từ năm 2020 trở về trước, căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tạm nộp số thuế TNDN của quý (chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo). Đối với doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính quý theo quy định như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thì căn cứ vào báo cáo tài chính quý để xác định số thuế TNDN tạm nộp hàng quý. Đối với doanh nghiệp không phải lập báo cáo tài chính quý thì căn cứ vào số thuế TNDN của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm để xác định số thuế TNDN tạm nộp hàng quý.
Nếu số tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán.
“Quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thủ tục và chủ động trong kê khai, nộp thuế. Bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành tốt, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp lợi dụng quy định thông thoáng, chỉ tạm nộp thuế TNDN theo quý lấy lệ, rất nhỏ so với số phát sinh nhằm tận dụng nguồn vốn từ số thuế phải nộp, chỉ thực hiện nộp thuế TNDN vào cuối năm, thậm chí vào tháng 1 năm sau nên số thu ngân sách tháng 1 và quý I năm sau thường rất cao. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 (quyết toán thuế năm 2020), theo quy định tại Nghị định 126/2020 thì tổng số thuế TNDN tạm nộp 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm, nếu nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu nên về cơ bản, nhiều doanh nghiệp đã tạm nộp thuế TNDN năm 2020 sát với thực tế phát sinh ngay từ tháng 10 và tháng 12/2020 dẫn đến số thu ngân sách tháng 1 và cả quý I năm 2021 không tăng so với cùng kỳ”, bà Cúc phát biểu.