Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cần đánh giá lại con số xuất siêu để có các giải pháp cho xuất nhập khẩu trong thời gian tới. |
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ như vậy tại họp báo thường kỳ 4 tháng 2023, chiều 18/5.
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại của Bộ Công thương cho hay, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu giảm 13% (cùng kỳ tăng hơn 17%), nhập khẩu giàm 17,7% (cùng kỳ giảm 16,2%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng xuất siêu 7,55 tỷ USD, cùng kỳ năm trước xuất siêu chỉ 2,25 tỷ USD), khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,2 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 14,8 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhiều thị trường cắt giảm tiêu dùng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu.
Ngoài sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hóa đi xuống cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm.
Những mặt hàng có mức giảm giá sâu từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước: giá xuất khẩu hạt tiêu giảm 34,3%, giá cao su giảm 21,2%, giá dầu thô giảm 15,9%, giá quặng và khoáng sản khác giảm 18,9%, giá sắt thép xuất khẩu giảm 25,2%...
"Tính đến nửa đầu tháng 5, doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực từ điện tử, giày dép, dệt may vẫn đối mặt với thiếu đơn hàng, trong khi với các ngành hàng này, chỉ 10% sản lượng tiêu thụ nội địa, 90% phụ thuộc xuất khẩu, khi tổng cầu sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam", Thứ trưởng cho hay.
Nói về con số xuất siêu 7,55 tỷ USD, Thứ trưởng nói, xuất siêu tăng cao một mặt góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trong tình hình hiện nay, cần đánh giá kỹ lại con số xuất siêu này, nếu xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm do thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực.
"Trong một số trường hợp, nhập siêu chưa chắc đã không tốt. Cần phối kết hợp để đánh giá lại kỹ hơn, từ đó có các giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới", Thứ trưởng cho biết thêm.
4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.