Chưa kể, áp lực gia tăng lãi suất và chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn các dòng vốn khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có Hà Đô mất đi cơ hội kinh doanh.
Kết thúc nửa đầu năm 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô ghi nhận động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng năng lượng (thủy điện, điện mặt trời và điện gió) trong khi doanh thu của mảng kinh doanh truyền thống là bất động sản lại sụt giảm.
Cụ thể, báo cáo tài chính của Hà Đô cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận gần 1.692 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, trong đó mảng năng lượng đóng góp 954 tỷ đồng, tăng 89% so với nửa đầu năm 2021. Doanh thu từ kinh doanh bất động sản giảm 38,7%, chỉ còn 591,5 tỷ đồng, khiến doanh thu thuần hợp nhất cũng giảm 7,1% so với cùng kỳ 2021.
Cũng nhờ sự gia tăng đóng góp của mảng năng lượng có biên lợi nhuận cao, lên đến 67,1%, đã giúp lợi nhuận gộp của Hà Đô tăng 22,5%, đạt 1.128,6 tỷ đồng, qua đó trở thành động lực kéo lợi nhuận sau thuế đạt gần 713,8 tỷ đồng, trong đó phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 605,8 tỷ đồng.
Động lực của sự tăng trưởng này là việc Công ty đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy điện mới, gồm Thủy điện Đăk Mi 2 (công suất 147 MW), Điện gió 7A (công suất 50 MW) và Điện mặt trời Ninh Phước (công suất 50 MW) từ cuối năm 2021 đến nay, qua đó nâng tổng công suất tối đa tăng 2,65 lần, đạt 463 MW.
Sau khi hoàn thành đầu tư loạt nhà máy điện, dư nợ vay của Hà Đô đã giảm nhẹ trong nửa đầu năm nay. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng nợ vay ngắn và dài hạn là 6.881 tỷ đồng, giảm 494 tỷ đồng so với đầu năm. Việc đưa các nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay không còn được vốn hóa cũng khiến lãi vay hạch toán của Tập đoàn trong nửa đầu năm nay tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, với 248,3 tỷ đồng. Nhờ các nhà máy hoạt động hiệu quả tốt vẫn giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng.
Năm 2022, Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.703 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Công ty đã thực hiện được gần 46% kết hoạch doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong nửa cuối năm nay, mảng năng lượng của Hà Đô dự báo tiếp tục ghi nhận tăng trưởng kết quả kinh doanh, khi các nhà máy được đưa vào hoạt động từ đầu quý IV/2022. Mảng bất động sản cũng được kỳ vọng gia tăng tỷ trọng đóng góp nhờ việc tiếp tục bán và bàn giao sản phẩm của Dự án Charm Villas (Hoài Đức, Hà Nội). Tuy vậy, động lực để duy trì tăng trưởng trong dài hạn bị đặt dấu hỏi khi mảng năng lượng có đặc điểm là thiếu sự đột biến, còn mảng bất động sản tiếp tục gặp khó khăn do tiến độ pháp lý của các dự án khu vực TP.HCM trì trệ, khiến việc triển khai dự án có thể bị trì hoãn.
Trong mảng kinh doanh này, bên cạnh Dự án Charm Villas dự kiến đóng góp phần lớn doanh thu trong năm 2022, Hà Đô sẽ mở bán các dự án Green Lane (quận 8, TP.HCM) và Minh Long (Linh Trung, TP. Thủ Đức) với kỳ vọng 2 dự án này giúp kết quả kinh doanh sáng sủa trong thời gian tới.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc hoàn thiện pháp lý của các dự án bất động sản tại khu vực TP.HCM vẫn còn khá chậm, nên việc triển khai Dự án Green Lane và Minh Long có thể bị trì hoãn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong những năm tới. Thêm vào đó, thị trường bất động sản cũng có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực gia tăng mặt bằng lãi suất và chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn các dòng vốn của cơ quan quản lý nhà nước.
Báo cáo tài chính của Hà Đô cho biết, tính đến ngày 30/6/2022 tổng tài sản đạt 15.742,4 tỷ đồng, giảm 149 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho đạt 1.465,3 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu tăng giá trị các công trình xây dựng dở dang và hàng hóa. Giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang 794,9 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại Dự án Khu đô thị Linh Trung (hơn 490 tỷ đồng), Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (hơn 188 tỷ đồng)…
Ngoài ra, Công ty có gần 984 tỷ đồng giá trị bất động sản đã đầu tư, gồm các dự án: Hà Đô Centrosa Garden (436,4 tỷ đồng), Văn phòng Hà Đô Air Building (173,1 tỷ đồng), Tòa nhà miền Nam 60A - Trường Sơn (127,5 tỷ đồng), tầng thương mại tại các khu chung cư (105,1 tỷ đồng), quyền phát triển dự án 62 - Phan Đình Giót (110,9 tỷ đồng).
Đối với mảng năng lượng, kế hoạch kinh doanh của Hà Đô cũng đặt mục tiêu phát triển thêm các dự án năng lượng tái tạo với mục tiêu đạt công suất 1.000 MW vào năm 2025, tương ứng tăng hơn 2 lần so với hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, Hà Đô sẽ phải đối mặt với khó khăn đáng kể về nguồn vốn khi số vốn đầu tư cần thiết ước tính có thể lên đến trên 10.000 tỷ đồng.
Mặt khác, sau khi cơ chế giá FIT khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, điện gió hết hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước đang đề xuất chuyển sang cơ chế đấu thầu giá. Điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh cũng như việc tính toán hiệu quả đầu tư khó khăn hơn so với cơ chế giá cố định trước đây.