Thủ tướng chỉ đạo ngành công thương đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các thị trường có FTA. (Ảnh: VGP). |
Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội thị trường từ các FTA thế hệ mới, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững…là những nội dung được người đứng đầu Chính phủ đặt ra với ngành công thương tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023.
Xuất nhập khẩu đã có năm 2022 khởi sắc, lần đầu tiên đạt kim ngạch trên 730 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tháng 1/2023, do hai kỳ nghỉ tết gần nhau, nên thời gian làm việc trong tháng 1/2023 chỉ bằng 1/3 so với các tháng trước. Đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết, vì vậy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chịu nhiều thách thức hơn khi lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng ngày càng giảm, tỷ giá - lãi suất đều tăng, mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6% của nước ta trở nên gập ghềnh hơn.
Ở trong nước, sức mua mặc dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất còn cao.
Và thực tế, đơn hàng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực từ điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép, thủy sản... đã giảm liên tiếp từ những tháng cuối năm 2022 đến nay.
Đơn cử, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước, cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD, trong đó, cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%...
Xuất khẩu sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hồng Kông giảm 55%, EU giảm 35%.
Bộ Công thương cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung.
Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, gấp đôi GDP nên những biến động của thị trường thế giới sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Do đó, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với năng lực chống chịu sức cạnh tranh có hạn, tránh “cơn gió ngược” sẽ khó khăn hơn. Những tác động bên ngoài khi đơn hàng giảm đã kéo sản xuất giảm theo.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, qua việc ứng phó các thách thức của năm 2022 chúng ta đã trưởng thành hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm.
Để xuất khẩu cán đích mục tiêu tăng trưởng 6%, Thủ tướng đề nghị, ngành công thương - trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc - tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi số, sản xuất xanh, đảm bảo các cân đối lớn.
"Khi tổng cầu hàng hóa giảm thì rõ ràng, cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Các ngành hàng, doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu để sản xuất những loại hàng hóa mà thế giới cần chứ không phải bán những thứ ta đang có", Thủ tướng chỉ đạo.
Với 15 FTA đang thực thi, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với khu vực thị trường EU, Vương quốc Anh, các thị trường thuộc châu Mỹ trong Hiệp định CPTPP, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, ngành hàng cần tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Cùng đó, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.