Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu tại Bộ Công thương. |
Ngày 3/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 do Bộ Công thương tổ chức.
Chịu nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới, nhưng kết thúc năm 2022, xuất khẩu nhập vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Vượt qua các thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khủng hoảng ở một số khu vực, xuất nhập khẩu tiếp tục chạm tới kỷ lục mới.
Xuất nhập khẩu đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Năm 2022, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp gần 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thương mại điện tử tăng trưởng cao, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, đưa nước ta vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Dù vậy, trước thực tế đang diễn ra từ cuối năm ngoái, Bộ Công thương nhận định năm 2023 sản xuất và xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức hơn. Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể (dự báo năm 2023 chỉ tăng khoảng 1,7%) do lạm phát còn diễn biến phức tạp, lãi suất tăng cao; Xung đột Nga – Ukraine khiến đầu tư giảm và làm gián đoạn các nguồn cung nguyên liệu, suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu .
Ở trong nước, sức mua dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất tăng cao.
Khi nhiều nền kinh tế nhập lượng hàng hóa lớn của Việt Nam đối diện với suy thoái, sản xuất và xuất khẩu lập tức đã tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước, và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%.
Cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất hẩu hàng hóa đạt 31,9 tỷ USD, tăng 11,6%, như vậy, về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 năm nay đã giảm gần 7 tỷ USD. Các ngành hàng chủ lực đều giảm sâu, dệt may chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ. Tương tự, giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 17,7%, vali, túi xách giảm 18%, xuất khẩu sắt thép sau năm 2022 giảm sâu, thì tháng 1/2023 tiếp tục giảm 45% so với cùng kỳ, xi măng giảm 40%...
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, giải pháp đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng 15 FTA đang có hiệu lực..., nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, cập nhật kịp thời các quy định mới từ các nhà mua hàng, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững là nhiệm vụ lớn để ngành sản xuất và xuất khẩu được diễn ra thông suốt, bám đuổi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 6%.
Để giảm thiểu tác động của các thách thức trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, các ngành hàng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyển thống.
Hiện nay các thị trường như Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan... chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, nhưng khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh đang có tốc độ tăng trường cao tuy nhỏ, nhưng còn nhiều dư địa khai thác. Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này.
Bộ Công thương tiếp tục tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, thị trường lân cận còn tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...gia tăng năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển sản xuất bền vững.