Thời sự
Thủ tướng chủ trì Hội nghị “thúc” Đông Nam Bộ phát triển ngang tầm khu vực
Hà Nguyễn - 26/11/2022 07:28
Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sáng nay (26/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Đông Nam Bộ

“Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Đông Nam Bộ, mở ra cơ hội mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Đông Nam Bộ, bao gồm TP.HCM, và 5 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Trong suốt thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đông Nam Bộ đã có bước phát triển nhanh chóng.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Khu vực này cũng đã hình thành được trung tâm công nghiệp hàng đầu, với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước. Kinh tế tư nhân cũng phát triển năng động, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI.

Vùng Đông Nam Bộ chính là đầu tàu kinh tế của cả nước

Đặc biệt, trong Vùng, TP.HCM từng bước đã trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin của vùng và cả nước…

Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai Nghị quyết 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW, dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng song Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm…

Trước thực tế này và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, trong nước có nhiều thay đổi, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...

Sau nghị quyết của Bộ Chính trị, hai ngày trước đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Và để các mục tiêu đề ra sớm được hiện thực hóa, Chính phủ đã quyết định tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.

Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Đông Nam Bộ Đột phá mới - Tầm cao mới” và gian hàng trưng bày các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong Vùng cũng sẽ được tổ chức, nhằm giới thiệu vẻ đẹp hiện đại, năng động, sáng tạo của vùng đất và con người Vùng Đông Nam Bộ, khắc họa những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của tỉnh, thành phố trong Vùng, những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào Vùng Đông Nam Bộ.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Đó là phấn đấu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng “chính quyền số”, “kinh tế số”, “xã hội số”.

Còn tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ…

Trong đó, TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; là nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới...

Nghị quyết cũng đã đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8-8,5% trong giai đoạn 2021-2030, giữ vững vai trò vùng kinh tế động lực; đến năm 2030, đạt GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 380 triệu đồng (tương đương 14.500 USD); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%); tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75%...

Để thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và các mục tiêu đầy thách thức này, Chính phủ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có việc quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng..

Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Triển khai nhanh chóng và hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, Vùng Đông Nam Bộ sẽ có cơ hội phát triển đột phá trong thời gian tới, không chỉ tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà còn trở thành một thị trường năng động nhất khu vực Đông Nam Á, một điểm đến đầu tư được lựa chọn của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, là một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Đông Nam Á…

Tin liên quan
Tin khác