Với DNNN thua lỗ, nợ xấu, các ngân hàng có thể thu hồi nợ bằng xử lý tài sản đảm bảo hoặc chuyển nợ thành vốn góp |
Nợ xấu của DNNN là gần 9.300 tỷ đồng
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng, hủ tướng Chính phủ có ý kiến: Trong quá trình xây dựng Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá toàn diện thực trạng nợ xấu của hệ thống TCTD.
Theo đó, nợ xấu của các DNNN và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (gọi chung là DNNN) mặc dù đã được xử lý quyết liệt nhưng vẫn còn khá lớn (khoảng 10 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2015 và 9,3 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 30/09/2017).
Trước thực trạng đó, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã đưa ra các giải pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu của DNNN. Cụ thể: Đại diện chủ sở hữu DNNN có trách nhiệm xác định định hướng hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp.
Thứ nhất, xử lý dứt điểm tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có). Thứ hai, trường hợp tiếp tục duy trì hoạt động thì cho phép TCTD chuyển nợ thành vốn góp hoặc bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp để có nguồn trả nợ TCTD. Thứ ba, cho phá sản doanh nghiệp để TCTD thu hồi khoản nợ liên quan.
Sau khi Đề án được phê duyệt, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu của các DNNN đã nêu tại Đề án và kịp thời báo cáo Chính phủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo quá trình triển khai đạt hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.
Các tổ chức tín dụng tự chủ xiết nợ
Trong văn bản trả lời đại biểu Kim Thúy, Thủ tướng khẳng định, DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng, cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng… tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh, không còn các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN.
Theo các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì chủ sở hữu nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ (đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ) và số vốn góp (đối với DNNN nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ).
Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Như vậy, trong trường hợp DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng thì việc ngân hàng thực hiện thu nợ/xiết nợ sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có các giải pháp xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bổ sung nguồn vốn để có nguồn trả nợ TCTD, phá sản doanh nghiệp… như Đề án 1058 đã nêu.
Hoạt động thu nợ/xiết nợ sẽ do DNNN, tổ chức tín dụng (trong đó có ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam) tự chủ thực hiện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.