Thời sự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phải xử hình sự vi phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm"
Thúy Hạnh - Thu Hằng - 27/04/2016 09:50
Công an, thanh tra, quản lý thị trường phải tham gia, từ xử lý hành chính đến hình sự để răn đe - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng: Nếu ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm, ở Trung ương, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm

Sáng nay, chủ trì cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nhân dân cả nước rất quan tâm. 

"Không thể để vấn đề lớn như thế, dân đang kêu mà chỉ xử lý chung chung, không ai chịu trách nhiệm", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, các bộ ngành đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả còn hạn chế, giờ phải thay đổi cách tiếp cận. 

Cùng với những cuộc vận động, phải làm rõ trách nhiệm của địa phương, của người đứng đầu, không thể để vấn đề lớn như thế mà không ai chịu trách nhiệm.

“Nếu ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm, ở Trung ương, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của từng địa phương. Cả vấn đề lớn như thế, dân đang kêu mà chỉ xử lý chung chung.

Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường giám sát của mọi cấp mọi ngành để có được chuyển biến đồng bộ. Phải đồng tâm hiệp lực để có những cách làm rõ nét nhất chứ không phải báo cáo thành tích.

"Giáo dục mãi cũng không phải là tốt, phải xử lý nghiêm! Một số cơ quan phải ra tay trong vấn đề này, công an, thanh tra, quản lý thị trường phải tham gia, từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm, bảo vệ mạng sống của nhân dân", Thủ tướng nói.

Trong số nhiều mặt hàng thực phẩm, Thủ tướng cho rằng trước mắt cần ưu tiên các mặt hàng tươi sống tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.

Nổi cộm salbutamol, vàng ô

Theo báo cáo tóm tắt tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của VPCP, có 7 nhóm vấn đề nổi lên. Trong đó có chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của TƯ phát hiện.

Còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến... đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh.

Không nói thành tích, đi thẳng bất cập

Chủ trì thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong công tác đảm bảo ATTP.

Lâu nay câu chuyện trách nhiệm phần nhiều đều hiểu theo tình thần pháp luật cũ nôm na: “ở ruộng thì Bộ NN&PTNT, ở chợ thì Bộ Công thương, lên bàn ăn là Bộ Y tế”. Ông Đam cho rằng, cách tiếp cận này đã cũ.

Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2010, công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có luật ATTP thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế  biến, kể cả bao bì đóng gói. Trong quá trình triển khai luật ATTP, có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính.

Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác VSATTP trên địa bàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm nay xử lý dứt điểm vấn đề chất sabutamol, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi; rượu, bia, nước giải khát giả, kém chất lượng; thực phẩm chức năng, thực phẩm đường phố...

Kết hợp với việc xử lý này, cần phát triển hệ thống rau sạch, thực phẩm sạch.

"Chúng ta vẫn nói chỉ có một số thực phẩm là không an toàn nhưng người dân bình thường không thể nhận biết thực phẩm an toàn hay không. Vì vậy, các địa phương phải có phòng xét nghiệm, máy xét nghiệm cố định hoặc di động để người tiêu dùng nhận biết, kết hợp phát triển mô hình chuỗi thực phẩm sạch phân phối đến người dân", ông nói.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ nhất trí cao với những nội dung nêu trong báo cáo của VPCP và dự thảo chỉ thị của Thủ tướng.

Hà Nội đề xuất phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa  chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát. Cần ban hành chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn.

Nổi cộm salbutamol, vàng ô

Theo báo cáo tóm tắt tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của VPCP, có 7 nhóm vấn đề nổi lên. Trong đó có chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến... đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh...

 

 

Tin liên quan
Tin khác