Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 |
Sáng 16/7, tại TP. Vị Thanh diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Nói về cơ hội thu hút đầu tư vào địa phương, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, khu vực Đồng Đằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ phủ hết sức quan tâm.
Mới đây nhất, vào ngày 2/4/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, sự dịch chuyển chuỗi sản xuất có xu hướng từ các nước khác vào Việt Nam; ở trong nước có sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ các trung tâm, đô thị, thành phố lớn phía Nam về các tỉnh, thành ĐBSCL. Đây là thời cơ thuận lợi để phát triển ĐBSCL và Hậu Giang. Như vậy, ĐBSCL vừa được quan tâm đầu tư, vừa đón sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất, nên tỉnh Hậu Giang đang có điều kiện phát triển tốt.
Với vị trí là trung tâm của tiểu vùng Nam sông Hậu nên Hậu Giang đã được thừa hưởng những thuận lợi đó. Năm 2022, tỉnh chọn là “Năm doanh nghiệp” với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Đây là thời điểm tốt nhất để Hậu Giang cất cánh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cam kết “Với phương châm "Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng", cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang”.
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Masan cho biết, Công ty tin tưởng vào tiềm năng phát triển của tỉnh Hậu Giang.
Từ năm 2015 đến nay, được chính quyền tỉnh Hậu Giang đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa, Masan đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án Trung Tâm Thực Phẩm Masan Miền Tây, gồm Nhà máy Bia Masan Hậu Giang và Nhà máy Thực phẩm Masan Hậu Giang. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng, ước tính đạt doanh thu 7.400 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.640 tỷ đồng và sử dụng 600 lao động địa phương trong năm 2022.
Tại Hội nghị này, Công ty đón nhận Giấy chứng nhận đầu tư cho cho giai đoạn 2 của Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan Miền Tây tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
“Hậu Giang là địa phương thực hiện rất tốt cơ chế một cửa và một cửa liên thông nhằm giảm thiểu và rút ngắn các thủ tục hành chính. Chúng tôi kiến nghị, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát thực hiện cơ chế này tại tất cả các cấp chính quyền nhằm hỗ trợ toàn diện cho Masan nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hậu Giang nói chung", ông Nam kiến nghị.
Đồng thời, đại diện Tập đoàn Masan mong muốn tỉnh nhanh chóng hoàn thiện nâng cấp hệ thống đường bộ để thúc đẩy liên kết vùng, tạo điều kiện cho Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung tiếp cận với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, là đẩy mạnh thiết lập các cảng sông để khai thác ưu thế tự nhiên của tỉnh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa qua đường thủy nhằm giảm chi phí logistics.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư |
Ông Frank Schellenberg, Chủ tịch DIGI-TEXX Việt Nam nhận định, cơ hội đầu tư của DIGI-TEXX tại Hậu Giang là rất lớn. Đặc biệt là tiềm năng về con người với đội ngũ nhân lực trẻ. Hiện tại, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư về thuế cho doanh nghiệp trong khu Công nghệ cao.
Ông Frank Schellenberg chia sẻ: “Với mong muốn được đầu tư vào Hậu Giang, DIGI-TEXX nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung mong muốn nhận được sự hỗ trợ về mặt chính sách, ưu đãi về mặt thuế doanh nghiệp giống như chúng tôi đã có với Công viên phần mềm Quang Trung, đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục nhanh chóng, rõ ràng và có các giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận cho DIGI-TEXX cũng như các doanh nghiêp khác đang muốn đầu tư vào Hậu Giang".
Chỉ ra các điểm mạnh của Hậu Giang, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho rằng, tỉnh có ưu thế đặc biệt trong việc khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp ở vùng giáp ranh (TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận) và đây chính là một lợi thế đặc trưng mà khó có tỉnh nào có được (ngay cả Bình Dương cũng không có lợi thế ở khía cạnh này như Hậu Giang).
Theo ông Quang, nếu Hậu Giang tận dụng được lợi thế đầu tư đó để đầu tư các khu công nghiệp ở vùng giáp ranh này thì Tập đoàn Minh Phú sẽ sẵn sàng đầu tư 3 - 5 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở các khu công nghiệp giáp ranh này. Đồng thời, Minh Phú sẽ kêu gọi các Công ty đối tác của Minh Phú đầu tư các nhà máy vệ tinh/phụ trợ như bao bì giấy, bao bì nhựa, bột (cho tẩm bột tôm), nước sốt, gia vị, các nhà máy sản xuất các máy móc thiết bị và dụng cụ chế biến tôm... để tạo ra những khu công nghiệp phức hợp đa ngành, nghề.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển...
Tuy nhiên, Hậu Giang không để tiềm lực ngủ quên, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên.
Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực để các nhà đầu tư xem xét, cân nhắc, ưu tiên đầu tư vào Hậu Giang như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin…
Về phía các nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư đến với Hậu Giang với tình cảm, nghiêm túc, chân thành, trách nhiệm, tin cậy, yêu quý mảnh đất, con người nơi đây, coi Hậu Giang là quê hương thứ hai, chia sẻ với người dân, với địa phương trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, quan tâm công tác an sinh xã hội, cùng chăm lo đời sống người dân địa phương.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Người dân đồng hành, chia sẻ với các nhà đầu tư, với chính quyền địa phương.
Thủ tướng đề nghị các bên phải thực hiện bằng được những điều đã cam kết để việc xúc tiến đầu tư thực chất, hiệu quả, "đã hứa là phải làm", ai làm tốt phải khen thưởng, động viên, bảo vệ, ai làm sai, làm không đúng thì phải có giải pháp xử lý.
Tại Hội nghị này, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký 19 ngàn tỷ đồng, ký 8 biên bản ghi nhớ, nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến trên 205 ngàn tỷ đồng.